Tắc trách
Chính trị - Ngày đăng : 07:00, 06/07/2010
Để thực hiện điều này, trong các văn bản quy phạm pháp luật đều quy định thời gian định kỳ các đơn vị phải gửi báo cáo kết quả thực hiện lên cơ quan quản lý cấp trên và một số bộ, ngành đã xây dựng chế độ báo cáo thống kê nội bộ. Song thực tế cho thấy các đơn vị chưa coi trọng công tác này và nhiều khi chỉ làm với tinh thần đối phó. Vì vậy, tình trạng không làm báo cáo hoặc làm chậm, làm sai đang xảy ra phổ biến ở tất cả các cấp, các ngành và các đơn vị.
Ngay trong việc thực hiện Đề án 30 - một trong những công việc đang được chú trọng ở tất cả các bộ, ngành, địa phương, tuy đã có yêu cầu, mục tiêu, lộ trình và thời gian thực hiện rất rõ ràng nhưng rất nhiều đơn vị vẫn lơ là trong việc làm báo cáo. Dù Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác thực hiện Đề án 30 tại các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức tập huấn cách điền biểu mẫu cũng như cách lập báo cáo của từng giai đoạn nhưng kết quả mà các đơn vị gửi về vẫn sai, thậm chí có đơn vị gửi đi gửi lại tới 3 lần vẫn không đạt yêu cầu. Trong tháng 6-2010, Ban Chủ nhiệm Chương trình cải cách hành chính của TP Hà Nội kiểm tra việc thực hiện Nghị định 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế tại Sở Tài chính mới hay tiến độ báo cáo của các quận, huyện thường chậm và sai nên Sở gặp khó khăn trong việc thống kê. Sở Tài chính cho biết, năm 2009 Sở đã phải gửi tới 4 công văn nhắc nhở các đơn vị, nhưng đến ngày 31-5-2010 chỉ có 10/29 quận, huyện gửi báo cáo về Sở. Điều đáng ngạc nhiên là trong danh sách những đơn vị không gửi báo cáo có cả những đơn vị được nhận cờ thi đua xuất sắc, bằng khen của UBND TP năm 2009 vì đã có thành tích trong các phong trào thi đua. Theo lãnh đạo Sở Tài chính, để đạt được danh hiệu thi đua còn phải phụ thuộc rất nhiều tiêu chí nên Sở không muốn chỉ vì mỗi việc làm báo cáo mà ảnh hưởng đến danh hiệu của các đơn vị.
Thế mới thấy, dù tiến độ và chất lượng làm báo cáo của các đơn vị đã làm "đau đầu" các cơ quan quản lý cấp trên, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước, nhưng đến nay "căn bệnh" này vẫn chưa có biện pháp nào để "điều trị".