Tín hiệu vui cho ngành chăn nuôi bò sữa
Kinh tế - Ngày đăng : 06:59, 05/07/2010
Từ giảm lượng, tăng chất...
Số liệu thống kê trong 5 năm trở lại đây của công ty FrieslandCampina Việt Nam, đơn vị thu mua trên 25% tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu cả nước cho thấy số lượng hộ nuôi bò sữa có chiều hướng không tăng, thậm chí có lúc giảm mạnh nhưng số lượng bò và sản lượng sữa lại không ngừng tăng. Trong khoảng thời gian này, trong khi số trại cung cấp sữa cho FrieslandCampina VN chỉ tăng nhẹ (khoảng 130 hộ) thì số lượng đầu con tăng từ 15,000 con (2004) lên tới hơn 27,000 con và sản lượng sữa tăng hơn gấp đôi, từ 77 tấn/ngày (2004) lên 172 tấn/ngày.
Ông Lưu Văn Tân, Trưởng bộ phận phát triển ngành sữa của FrieslandCampina VN khẳng định đây là một tín hiệu vui, một đóng góp lớn cho sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam, bởi vì điều đó cho thấy các hộ chăn nuôi bò sữa đang có sự chuyên nghiệp hóa, từng bước nâng cao hiệu quả của việc chăn nuôi. Nếu như trước đây, số lượng bò bình quân trong các trại nuôi trung bình chỉ khoảng dưới 7 con/trại, đến nay đã lên tới 11 con/trại, năng suất sữa bình quân mỗi bò sinh sản cũng tăng từ dưới 8kg/con/ngày lên trên 10kg/con/ngày; lượng sữa bình quân tại các trại có sự chuyển biến rõ rệt, từ 39.7kg/ngày/trại, hiện đã lên mức 72 kg/ngày/trại. Rõ ràng, lợi ích từ việc phát triển chăn nuôi bò sữa một cách chuyên nghiệp, có hiệu quả cao đã khuyến khích những người nông dân đẩy mạnh phát triển đàn. Chất lượng sữa cũng được nâng cao rõ rệt. Các thông số về vật chất khô, chất béo đều đạt các yêu cầu nghiêm ngặt mà chương trình đã đề ra, trong khi độ nhiễm vi sinh, tổng tạp trùng ngày càng được giảm xuống rõ rệt. Tất cả đã góp phần làm nâng cao chất lượng và đảm bảo vấn đề vệ sinh an tòan thực phẩm của các sản phẩm sữa Dutch Lady, Friso, YoMost... mà hàng triệu người dân Việt Nam đang sử dụng mỗi ngày.
... đến vai trò của chương trình phát triển ngành sữa Việt Nam (DDP)
Đây là chương trình nhằm hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam do công ty FrieslandCampina Việt nam thực hiện từ tháng 9/1995 đến nay với kinh phí trên 10 triệu USD. Bản thân công ty FrieslandCampina Việt Nam, người khởi xướng chương trình, cũng cảm thấy rất vui mừng và hãnh diện với sự tiến bộ vượt bậc của các đối tác - những người nông dân nuôi bò sữa mà công ty dày công đào tạo, giúp đỡ trong suốt gần 15 năm qua.
Thời điểm đầu của chương trình này, dưới sự hỗ trợ của FrieslandCampina Việt Nam (mà lúc đó còn gọi là Dutch Lady Việt Nam), một hệ thống thu mua sữa chuyên nghiệp, với 3 trung tâm làm lạnh lớn và 40 điểm thu mua triển khai rộng rãi khắp các tỉnh như Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Lâm Đồng, Tuyên Quang, TP.HCM..., triển khai mua sữa trực tiếp của từng hộ nông dân, nhằm giúp họ ổn định được đầu ra yên tâm đầu tư chăn nuôi bò sữa. Hợp đồng bán sữa được ký trực tiếp trực tiếp với nhà máy, giá sữa khuyến khích theo chất lượng, chi trả tiền sữa minh bạch, trực tiếp qua ngân hàng, không qua bất kỳ một khâu trung gian nào.
Với kiến thức và kinh nghiệm của hơn 135 năm trong ngành sữa, FrieslandCampina cũng đã thiết lập những mô hình chăn nuôi kiểu mẫu, rất chuyên nghiệp, khoa học nhưng cũng rất thực tế, phù hợp với điều kiện khí hậu và tài chính của người nông dân Việt Nam để huấn luyện cho người chăn nuôi bò sữa. Người nông dân được tập huấn thường xuyên, bằng những cách thức mang tính thực hành cao, dễ hiểu, dễ thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi đội ngũ khuyến nông chuyên nghiệp gần 100 nhân viên của FrieslandCampina. Đội ngũ khuyến nông này cũng thực hiện kiểm tra vệ sinh ngay tại trại và sẵn sàng hỗ trợ người nông dân khi cần thiết với các dịch vụ thú y, gieo tinh nhân tạo cũng như các hỗ trợ hướng dẫn khác. Người nuôi bò sữa cũng được khuyến khích và hỗ trợ để làm quen dần với các trang thiết bị chuyên dụng như bình nhôm đựng sữa chuyên dụng, máy vắt sữa, máy vệ sinh, bồ trữ lạnh... để giúp họ giảm sự lệ thuộc vào những người trung gian, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cường khả năng nâng cao mức độ vệ sinh an tòan thực phẩm cho sữa, trong sản xuất, vận chuyển, bảo quản....
Khi người nông dân “trưởng thành” hơn trong hoạt động chăn nuôi bò sữa, FrieslandCampina VN còn tiếp tục triển khai dự án giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn để tăng đàn, huấn luyện cách quản lý trang trại, từ đó dần hình thành những mô hình chăn nuôi quy mô lớn, hiệu quả cao, có nguồn sữa chất lượng cao rõ rệt và nhờ đó dễ dàng bán được ở các mức giá cao, mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi. Anh Trần Tuấn Kiệt, một hộ nuôi bò tại Bến Cát (Bình Dương) thừa nhận, nếu như trước đây với quy mô chưa đầy 10 con, gần như yếu tố đầu vào (thức ăn: cỏ, cám, hèm bia, xác mì, công chăm sóc…) hoàn toàn phải phụ thuộc qua các khâu trung gian, thương lái khiến sữa bán ra chỉ bằng với chi phí giá thành. Nhưng khi mạnh dạn đầu tư phát triển đàn lên trên 30 con, anh Kiệt đã phải tính đến việc cắt giảm được các các chi phí không cần thiết. Anh tìm đến những khu đất giá thuê còn rẻ để tạo nguồn cỏ cho đàn bò, liên hệ mua thức ăn trực tiếp từ các nhà máy với số lượng lớn… Nhờ vậy chi phí giá thành sữa mà gia đình anh Kiệt làm ra giảm ít nhất 10 - 15%, trong khi giá bán sữa lại tăng lên nhờ chính sách thưởng theo chất lượng. Anh Kiệt khẳng định, với mức giá hiện tại, mỗi kg sữa có thể lãi từ 1.500 - 2.000 đồng, chưa kể nguồn bê hàng năm từ 5-7 con để bổ sung tiếp tục phát triển đàn và các phụ phẩm chăn nuôi khác.
Ông Lưu Văn Tân, Trưởng bộ phận phát triển ngành sữa của FrieslandCampina Việt Nam khẳng định, việc tổ chức chăn nuôi bò sữa khoa học, giảm được chi phí, nâng cao được năng suất, chất lượng sẽ giúp cho các hộ nông dân nuôi bò nói riêng và ngành chăn nuôi bò sữa nói chung phát triển bền vững. Chương trình phát triển ngành sữa của FrieslandCampina mong muốn được đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự phát triển đó.