Pakistan: Khi các ông nghị xài bằng giả

Thế giới - Ngày đăng : 06:59, 05/07/2010

(HNM) - Cơn địa chấn trên chính trường Pakistan vừa hình thành trong tuần qua khi nhiều nghị sĩ khai man trình độ học vấn bị phát hiện đã trở thành vụ bê bối lớn ở quốc gia Nam Á này.

Vụ việc có nguy cơ đẩy hàng loạt nghị sĩ Pakistan mất "ghế" vì dùng bằng giả trong quá trình công tác và phục vụ tại các cơ quan công quyền. Thậm chí, Tòa án tối cao Pakistan, ngày 1-7, đã yêu cầu Ủy ban bầu cử nước này kiểm tra lại hồ sơ cá nhân của 1.100 nghị sĩ. Hiện ít nhất 35 thành viên Quốc hội không đệ trình được tấm bằng đại học của họ trong khi bằng cấp của 138 nghị sỹ khác không thể kiểm tra được độ chính xác hay là loại bằng cấp gì. Phát ngôn viên của Ủy ban Giáo dục Cao học (HEC), ông Mukhtar Ahmed cho biết, bất kỳ nghị sĩ nào bị phát hiện sử dụng bằng giả sẽ bị cách chức.

Vụ việc xuất phát từ tỉnh Balochistan và nhanh chóng loang ra khắp cả nước. Ban đầu, phe đối lập ở Balochistan cáo buộc 17 trong tổng số 20 nghị sĩ của tỉnh sử dụng bằng giả. Khi vụ việc phanh phui, lan rộng, Ủy ban Giáo dục đại học nước này mới tiến hành điều tra và đưa ra kết luận ban đầu gây ngỡ ngàng. Theo đó, có tới 160 nghị sĩ đã dùng bằng giả, trong đó có 56 nghị sĩ đảng đối lập Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-N (PML-N) và 41 nghị sĩ đảng đảng Nhân dân Pakistan (PPP) cầm quyền. Nếu đây là sự thật, nhiều khả năng Pakistan sẽ phải tổ chức bầu cử lại ở quy mô lớn.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên quốc gia Nam Á này nổ ra tranh cãi về vấn đề này. Mâu thuẫn đã bùng phát, từ năm 2002, khi cựu Tổng thống Pervez Musharraf đưa ra yêu cầu rằng các ứng viên nghị sĩ phải có bằng cử nhân hoặc tương đương với lý do để nâng cao năng lực của các nghị sĩ. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng, hành động này của ông Musharraf, lúc bấy giờ là nhằm loại bỏ các đối thủ chính trị và còn là chính sách phi dân chủ, bởi ở Pakistan, một đất nước 180 triệu dân, chỉ có khoảng 50% người trưởng thành biết đọc biết viết. Các mối quan hệ họ tộc hoặc những thành công trong lĩnh vực kinh doanh đã giúp các cá nhân bước chân vào chính trường. Tháng 4-2008, Tòa án tối cao Pakistan đã bãi bỏ điều luật này. Tuy nhiên, do cuộc bầu cử tổ chức vào tháng 2-2008 nên luật vẫn còn hiệu lực và nảy sinh ra "cơn địa chấn" hiện nay.

Dư luận cho rằng, "xới" lên vụ việc này, lãnh đạo đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-M) Abid Sher Ali đồng thời là thành viên Ủy ban giáo dục của Quốc hội cũng chỉ nhằm mục đích chính trị, đánh vào điểm yếu của đảng PPP do Tổng thống Asif Ali Zardari đứng đầu. Bởi Tổng thống A.Zardari cũng từng tuyên bố có bằng cử nhân của một trường thương mại tại London (Anh) nhưng cũng không trình ra được bằng cấp hoặc giấy tờ để chứng minh. Hiện tại, vụ việc sẽ được giải quyết trong vòng 3 tháng tới khi Ủy ban bầu cử gửi bằng cấp của các nghị sĩ đến các trường đại học để kiểm chứng, tuy nhiên, vấn nạn bằng giả đã làm xói mòn niềm tin của người dân Pakistan vào các quan chức chính phủ. Nó cũng lý giải một phần nào về vấn nạn tham nhũng đang là mối lo ngại đối với quốc gia Nam Á này.

Cơn địa chấn mang tên bằng giả đang tạo ra những dư chấn ảnh hưởng lớn đến uy tín của giới chính trị ở quốc gia Nam Á này.

Trung Hiếu