Dỡ bỏ rào cản

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:39, 05/07/2010

(HNM) - Vào ngày 15-7 tới, sắc thuế chống bán phá giá mặt hàng xe đạp của Việt Nam do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt suốt 5 năm qua sẽ chấm dứt. Đây là một quyết định quan trọng và có ý nghĩa tích cực, phù hợp với lợi ích chung của cả hai bên, nhất là trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - EU đang ngày càng phát triển sâu rộng.

Quyết định này vừa được EU công bố hôm 2-7, 24 giờ sau khi Bỉ nhận ghế Chủ tịch luân phiên EU - trước hết sẽ giúp người tiêu dùng châu Âu không phải tiếp tục mua hàng với mức giá cao vô lý do không phải chịu thuế chống bán phá giá trong giá thành nhập khẩu. Lệnh dỡ bỏ thuế chống bán phá giá này cũng góp phần giúp doanh nghiệp ngành xe đạp Việt Nam vượt qua những khó khăn suốt 5 năm qua, đã khiến nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc chỉ duy trì sản xuất cầm chừng do lượng xe đạp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU bị sụt giảm nghiêm trọng.

Trước năm 2005, mỗi năm Việt  Nam xuất khẩu vào thị trường EU trên một triệu chiếc xe đạp, đến năm 2009 con số này chỉ còn khoảng 21.400 chiếc. Khi chưa bị áp thuế, xe đạp xuất khẩu chiếm tới 80% sản lượng của toàn ngành, còn tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 20%. Nhưng từ năm 2005 đến 2009, lượng xuất khẩu xe đạp của Việt Nam liên tục bị sụt giảm, với tỷ trọng lần lượt là 60%, 45%, 30%, 20% và 15%. Giá trị xuất khẩu đạt 101 triệu USD vào năm 2005, chỉ còn 1 triệu USD vào năm 2009. Các nhà nhập khẩu châu Âu đã từ chối xe đạp Việt Nam vì sau khi áp thuế, giá một chiếc xe đạp tăng gấp 3,5 lần. Ngoài ra, quyết định áp thuế chống bán phá giá của EU với xe đạp Việt Nam còn ảnh hưởng lớn đến người lao động trong nước, gây nhiều tác động xấu về mặt xã hội. 95% lao động ở các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã buộc phải nghỉ việc. Có doanh nghiệp từng có 200 công nhân, nay chỉ còn 10 người. Toàn ngành từ hơn 2 triệu người đến nay chỉ còn khoảng 5.000 người. Tóm lại, sau 5 năm chịu hậu quả của việc EU áp thuế chống bán phá giá, ngành sản xuất xe đạp của Việt Nam đã lâm vào cảnh điêu đứng.

Tương tự ngành xe đạp, ngành công nghiệp da giày Việt Nam đang phải gánh chịu tác động kép rất nặng nề do Ủy ban Châu Âu (EC) từ năm 2006 áp dụng thuế chống bán phá giá lên sản phẩm giày mũ da, đồng thời loại mặt hàng giày dép xuất khẩu của Việt Nam khỏi diện được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ năm 2008. Tức là, ngoài mức thuế chống phá giá 10%, các doanh nghiệp xuất khẩu giày mũ da Việt Nam phải gánh thêm 5% nữa. 4 năm qua, do chính sách thuế bất công này, ngành da giày Việt Nam đã chịu nhiều sức ép cạnh tranh với các nước khác, đặc biệt là với Ấn Độ và Indonesia, vì 2 nước này vẫn còn được hưởng chính sách GSP của EU, cũng như không bị áp thuế chống bán phá giá ở EU.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam chuyên sản xuất cho các thương hiệu ở châu Á như Pou Yuen, Pou Chen (Đài Loan), Shang Hung Cheng, Tea Kuang Vina (Hàn Quốc)… do không còn được hưởng ưu đãi thuế quan GSP của EU, đang buộc phải chuyển sản xuất sang một số nước khác. Nhiều nhà bán lẻ hàng đầu và một số hãng ở Đức, như Adidas và Puma đã xuống đường biểu tình phản đối việc áp thuế chống bán phá giá nêu trên, vì hiện có tới 50% lượng giày trên thị trường Đức là sản phẩm từ Trung Quốc và Việt Nam sản xuất theo đơn đặt hàng của các công ty Đức. Công cụ thuế lỗi thời này đang tước đi quyền lợi của chính người tiêu dùng châu Âu. Liên minh Giày dép châu Âu khẳng định hạn thuế chống phá giá cho đến năm 2011 của EU với giày mũ da Việt Nam "sẽ tiêu tốn của người tiêu dùng và các công ty kinh doanh châu Âu nhiều trăm triệu euro"...

Từ khi quan hệ giữa Việt Nam và cộng đồng châu Âu được bình thường hóa (22-10-1990), hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam- EU không ngừng phát triển. Thực tế cho thấy Việt Nam và EU đã trở thành bạn hàng không thể thiếu, hợp tác hai bên cùng có lợi. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với EU, mong muốn xây dựng với EU "quan hệ đối tác bình đẳng, toàn diện, lâu dài vì mục tiêu cùng phát triển". Do đó, sự kiện dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với xe đạp Việt Nam của EU là bước đi đúng đắn, tạo động lực thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Việt Nam mong muốn, thời gian tới EU sẽ tiếp tục xem xét và dỡ bỏ thuế chống bán phá giá với sản phẩm giày mũ da của Việt Nam. Việc tiếp tục áp loại thuế này là không phù hợp với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ kinh tế thương mại song phương khi Việt Nam đang làm hết sức mình để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư châu Âu.

Lâm Phương