Bài 5: Những bài học kinh nghiệm

Chính trị - Ngày đăng : 06:20, 05/07/2010

(HNM) - Đại hội (ĐH) đảng bộ các cơ sở đã diễn ra tốt đẹp. Các đảng bộ đang triển khai nghị quyết vào cuộc sống với quyết tâm nhanh chóng hiện thực hóa các chỉ tiêu, mục tiêu, xây dựng địa phương, đơn vị vững mạnh.

Qua chỉ đạo thực tiễn và tổng kết công tác xây dựng đảng cho thấy dư âm của ĐH cấp cơ sở vẫn còn lắng đọng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là những kinh nghiệm chỉ đạo, bài học về truyền thống đoàn kết, phát huy dân chủ trong ĐH… rất có ích cho các cấp ủy chỉ đạo ĐH cấp trên cơ sở tới đây.

Về đích trước cả nước

Đánh giá về kết quả ĐH các đảng bộ cơ sở, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, với 2.936 TCCSĐ, gần 327.000 đảng viên (gần bằng 1/10 số lượng đảng viên toàn Đảng) thì việc tổ chức thành công ĐH đảng bộ các cấp có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Hà Nội, mà còn đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 37 của Bộ Chính trị. Vì vậy, Thành ủy đã xác định đây là một trong ba nhiệm vụ quan trọng hàng đầu TP tập trung chỉ đạo trong năm 2010, bên cạnh các nhiệm vụ đặc biệt quan trọng khác là tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô và tiến hành các công việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Các đại biểu thông qua phương án bầu BCH Đảng bộ huyện Từ Liêm nhiệm kỳ 2010 - 2015. Ảnh: Thái Hiền

Sự tích cực và chủ động trong chỉ đạo ĐH đảng bộ các cấp được thể hiện ở việc Thành ủy sớm xây dựng kế hoạch, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị, đặc biệt là quán triệt sâu những điểm mới trong việc chỉ đạo ĐH lần này. Tất cả các ban đảng, các cấp ủy đảng đều tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, bám sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Hà Nội đã xung phong đi đầu cả nước thực hiện thí điểm chủ trương ĐH đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ (BTV), bí thư, phó bí thư (với 115 đơn vị trong tổng số 1.405 đơn vị làm thí điểm trong cả nước). Việc chỉ đạo tổ chức ĐH được gắn với nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá và triển khai thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Những kinh nghiệm từ thực tiễn

Qua chỉ đạo ĐH các đảng bộ cơ sở, Hà Nội đã rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Một là, các cấp ủy phải bám sát Chỉ thị số 37 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Thành ủy. Các TCCS Đảng chủ động quán triệt quan điểm chỉ đạo của cấp trên về công tác tổ chức ĐH, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của tập thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về ĐH. Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của Huyện ủy Đông Anh, việc vận dụng linh hoạt các văn bản chỉ đạo của cấp trên vào tình hình địa phương cũng rất quan trọng. 24/24 xã, thị trấn của huyện đều có cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia cấp ủy cho thấy sự quan tâm, nỗ lực và thể hiện niềm tin của cấp ủy các cấp đối với lực lượng này. Đặc biệt, nhiều cán bộ mới được điều động, luân chuyển về địa phương nhưng đã khẳng định năng lực, trình độ, được lòng dân nên khi bầu cử đạt tỷ lệ phiếu bầu cao.

Hai là, cùng với xây dựng kế hoạch cụ thể, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, kịp thời, cấp ủy cấp trên cần bám sát, nắm chắc tình hình cơ sở, thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống giúp đỡ, chỉ đạo cấp ủy địa phương, đơn vị tiến hành từng khâu công việc cụ thể. Phải chỉ đạo tốt việc xây dựng báo cáo chính trị và tiến hành quy trình công tác nhân sự, xử lý dứt điểm những vấn đề phát sinh có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như quá trình tổ chức ĐH. Từ thực tiễn, sau khi phát hiện có một số vụ việc phát sinh ở cơ sở, Quận ủy Tây Hồ đã thành lập 2 tổ công tác do Bí thư Quận ủy và Chủ tịch UBND quận làm tổ trưởng tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản (nhà văn hóa, hệ thống thoát nước), giải quyết triệt để đơn, thư khiếu nại, tố cáo và xử lý nghiêm một số cán bộ có sai phạm… Việc làm này đã giải tỏa bức xúc, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, là tiền đề quan trọng để ĐH các đảng bộ thành công.

Ba là, trong quá trình chuẩn bị, chương trình, nội dung, thời gian và phương pháp điều hành ĐH phải được xây dựng khoa học, chi tiết, rõ ràng. Ở mỗi ĐH cần lựa chọn những đảng viên có nghiệp vụ về công tác Đảng tham gia đoàn chủ tịch, đoàn thư ký và ban kiểm phiếu, đồng thời cần tập dượt trước khi bước vào ĐH để tránh lúng túng, nhầm lẫn trong điều hành. Qua các ĐH cho thấy, vẫn còn hiện tượng một số đảng bộ chọn trưởng ban kiểm phiếu là người tuổi cao hoặc không có kinh nghiệm nên mất nhiều thời gian của ĐH. Có việc rất nhỏ như hướng dẫn cách bỏ phiếu, một số nơi chủ quan bỏ qua dẫn đến việc lộn xộn, làm mất đi hình ảnh nghiêm túc khi bỏ phiếu. Cá biệt có một số đảng bộ hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp tổ chức ĐH chỉ trong nửa ngày hoặc gần một ngày (gồm cả phiên trù bị) nên thời gian dành cho phần thảo luận, đóng góp ý kiến bị "cắt xén", chỉ tập trung cho phần bầu cử, làm ảnh hưởng đến chất lượng, tính trang trọng của ĐH.

Bốn là, công tác nhân sự phải được chỉ đạo sát sao, bảo đảm đúng quy định. Từ mỗi TCCS Đảng, cần thực hiện nghiêm túc việc nhận xét, đánh giá cán bộ trong quy hoạch, nhất là cán bộ dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới, qua đó lựa chọn được những cán bộ ưu tú, có phẩm chất, năng lực, trí tuệ, giữ các vị trí chủ chốt ở đảng bộ cơ sở. Các đảng bộ thuộc quận Hà Đông và nhiều quận, huyện đã làm khâu này khá tốt. Từ rà soát, bổ sung quy hoạch, tổ chức giới thiệu nguồn nhân sự tham gia cấp ủy khóa mới, lấy ý kiến nhận xét nơi công tác, nơi cư trú… đến tổ chức hội nghị thảo luận đề án và bỏ phiếu kín giới thiệu danh sách nhân sự BCH, BTV, bí thư, phó bí thư đều được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định. Kết quả bầu cử ở đa số các đơn vị đạt cao, đúng dự kiến, bầu một lần đủ số lượng cấp ủy viên cần bầu. Ngoài ra, đối với những cán bộ có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp, cấp ủy nên vận động không tham gia tái cử.

Năm là, không nên quá chú trọng vào công tác nhân sự mà xem nhẹ việc chuẩn bị báo cáo chính trị và thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của cấp trên hay bầu đại biểu đi dự ĐH cấp trên. Cả 4 nội dung của ĐH đều phải quan tâm tiến hành đồng bộ. Các cấp ủy cũng cần coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau ĐH, đẩy mạnh các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng ĐH, tạo sinh khí chính trị trong toàn Đảng, toàn dân.

Đến thời điểm này, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành chỉ đạo các TCCS Đảng tiến hành ĐH. Những vấn đề rút ra trong quá trình tổ chức ĐH ở cơ sở là kinh nghiệm quý để các đảng bộ trên cơ sở tổ chức thành công ĐH trước ngày 15-8-2010, tạo tiền đề quan trọng cho ĐH lần thứ XV Đảng bộ TP.

Lê Hương