Không được đối phó với luật!

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:54, 04/07/2010

(HNM) - Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty (TCty) chuyển đổi thành các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu như: TCty Hóa chất Việt Nam, TCty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam... Mới đây nhất, "siêu TCty" đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước cũng có quyết định tiến hành chuyển đổi.


Theo Luật Doanh nghiệp, đến trước ngày 1-7-2010, các công ty nhà nước phải chuyển đổi sang công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Cụ thể, điều 166 quy định "thực hiện theo lộ trình chuyển đổi hằng năm, nhưng chậm nhất trong thời hạn bốn năm kể từ ngày luật có hiệu lực (tức đến trước ngày 1-7), các công ty nhà nước thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2003 phải chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần". Ngày 1-7 đã đi qua, số lượng doanh nghiệp cần chuyển đổi vẫn rất... hùng hậu, dù gần đây số doanh nghiệp chuyển đổi liên tục được công bố. Băn khoăn, nghi ngại... chung quanh việc chuyển đổi không ngớt. Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên không tạo nên hiệu ứng tích cực như CPH do chỉ thay đổi về hình thức pháp lý mà không kèm theo đổi mới về cơ chế hoạt động. Theo ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn VFAM, "bản chất các công ty TNHH một thành viên vẫn do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Đó chỉ là dạng "bình mới rượu cũ". Mặt khác, những nhược điểm cố hữu trong quản lý, hoạt động... vẫn tồn tại. DN do có chủ sở hữu là Nhà nước nên vẫn có lợi thế hơn so với doanh nghiệp tư nhân.

Hạn chót 1-7 chỉ là ràng buộc mang tính pháp lý. Trên thực tế, dù Chính phủ đã rất tạo điều kiện nhưng vẫn còn nhiều yếu tố cản trở DN. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu là một trở ngại không nhỏ; nhiều DN cũng "vướng" bởi chưa có sự thống nhất, liên kết khi đăng ký kinh doanh, đổi tên DN; các quy định về cơ chế hoạt động của công ty TNHH một thành viên 100% thuộc sở hữu nhà nước cho thấy không có thay đổi đáng kể giữa DNNN với công ty TNHH một thành viên... Nhưng "hạn chót" đã qua, việc chuyển đổi vẫn phải thực hiện theo dạng tuần tự mà đi?

Quá trình CPH DNNN đang gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện chậm dần trong giai đoạn 2007-2010. Việc chuyển đổi không chỉ nằm trong nỗ lực tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả loại hình doanh nghiệp, phù hợp với cam kết hội nhập của Việt Nam mà còn là bước đệm cho DN tiến tới CPH. Dự kiến, hầu hết DN thuộc diện chuyển đổi sau đó cũng phải CPH. Vì vậy, nếu chỉ coi chuyển đổi là biện pháp đối phó với luật, cả ở góc độ quản lý nhà nước lẫn quản trị doanh nghiệp, thì sẽ dễ dẫn đến hậu quả khôn lường!

Minh Châu