Đẩy mạnh tuyên truyền và xử phạt nặng
Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 03/07/2010
Rác thải tràn ngập phần đất được giải phóng mặt bằng phục vụ dự án cống hóa mương Hoàng Cầu, phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa. |
Bà Lê Thị Hằng (Mộ Lao, Hà Đông): Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền
Qua báo chí, tôi biết thành phố đang có cuộc vận động người dân không đổ rác ra đường và Báo Hànộimới đều duy trì chuyên mục "Điểm đen về rác". Nhờ đó, một số tuyến phố có sự thay đổi đáng kể, đường phố đã sạch, đẹp hơn, người dân đã hưởng ứng tích cực và có thái độ bài trừ hành vi vứt rác ra đường, "đổ" rác lên tường… Tuy nhiên, tôi thấy có những điểm đen bị nhắc đi, nhắc lại, nhưng không chuyển biến, ngày nào rác cũng tràn ngập vỉa hè, lề đường. Điều này cho thấy ý thức của một số người còn kém… Do vậy, tôi mong chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhiệt tình hưởng ứng, đồng thời nâng cao ý thức của mỗi người trong việc giữ gìn môi trường sống.
Bà Minh Tâm (số 6 ngách 29/2, đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân): Hãy bắt đầu từ các tổ dân phố
Để giữ sạch đẹp bộ mặt phố phường, quyết tâm tẩy trừ nạn đổ rác, phế thải bừa bãi, tôi cho rằng ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền, thì rất cần có sự "ra tay" của các tổ dân phố, khu dân cư. Trước đây ở khu dân cư cơ khí - điện tử chúng tôi, người ta đổ rác vào túi nilon, rồi vứt ở trước cửa, đến tối hôm sau mới đổ, rất mất vệ sinh. Thế nhưng, hiện nay những hành động như thế tại khu dân cư chúng tôi không còn nữa. Sự chuyển biến tích cực này chính là nhờ có sự vào cuộc của bác trưởng dãy, trưởng khu. Gia đình nào để rác bừa bãi, đổ rác không đúng giờ quy định, các bác đến tận nhà nhắc nhở, góp ý. Tôi nghĩ, để Thủ đô luôn xanh - sạch - đẹp, hãy bắt đầu từ mỗi tổ dân phố!
Chị Nguyễn Phương Lan (số nhà 75, đường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng): Xử phạt nặng những người đổ rác bừa bãi
Chưa bao giờ tôi thấy nhiều rác thải vứt tùy tiện như hiện nay. Khắp các đường phố, đâu cũng có rác. Rác trên vỉa hè, lòng đường, ở chân cột điện, gốc cây, thảm cỏ, bên bờ mương, mặt nước... Nhiều người rất quan tâm giữ sạch nhà mình, nhưng lại xả rác bừa bãi, làm bẩn đường phố. Có thể nói, vẫn còn khá nhiều rác đổ không đúng nơi quy định, khiến công nhân môi trường hằng ngày đi thu gom biết bao nhiêu lượt cũng không xuể. Điều đó thể hiện, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân chưa cao, coi thường sức khỏe của cộng đồng và của chính mình. Đã đến lúc cần "tuyên chiến" với chính những người đổ rác bừa bãi bằng cách xử phạt thật nặng, thì mới mong đẩy lùi được tệ nạn này.
Bà Kiều Thị Liên (tổ 6, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân): Cần bố trí thêm các thùng rác công cộng
Tại không ít nơi ở Thủ đô, tình trạng đổ rác bừa bãi vẫn diễn ra. Theo tôi, nguyên nhân chính là do ý thức của một bộ phận người dân còn kém, song cũng phải thấy rằng mật độ bố trí thùng đựng rác trên các đường phố còn quá ít, thậm chí có tuyến phố chẳng có thùng đựng rác nào, người dân không biết bỏ vào đâu, đành vứt ra lòng đường. Do vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bố trí nhiều thùng đựng rác hơn nữa tại đầu ngõ, chợ, bến xe... và bố trí thêm các thùng đựng rác cỡ lớn ở các khu dân cư để thuận tiện cho việc đổ rác của người dân.
Chị Lâm Thị Thanh Huyền (K48, Trường Đại học Ngoại thương): Những biện pháp cứng rắn đã làm thay đổi ý thức của người dân
Có lẽ chúng ta cần phải có một chế tài đủ mạnh, cứng rắn để cưỡng bức với những người tùy tiện xả rác, bởi nếu chỉ trông chờ vào sự tự giác của mỗi người thì thật khó. Việc Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội yêu cầu cắt gần 100 số điện thoại vi phạm về quảng cáo, rao vặt đã và đang có tác dụng tốt. Đối với những người đổ rác ra đường cũng cần phải có một mức phạt tương ứng thì mới mong thay đổi được ý thức vì môi trường sống, vì cộng đồng của mọi người dân.