Cổng chào và tình yêu Hà Nội…

Góc nhìn - Ngày đăng : 04:43, 03/07/2010

(HNM) - Tuần qua, xung quanh việc xây những chiếc cổng chào ở Thủ đô nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã có nhiều ý kiến khác nhau. Ủng hộ có, phản đối cũng có.

Mỗi quan điểm đều có những lý lẽ của mình. Và sau những ý kiến ấy, lãnh đạo thành phố đã khẳng định chủ trương xây dựng cổng chào không phải chỉ do TP Hà Nội quyết, mà việc này đã được Thủ tướng và Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phê duyệt. Từ chủ trương xây cổng chào ở 5 "cửa ô", lãnh đạo thành phố Hà Nội đã cân nhắc kỹ lưỡng và đi đến thống nhất trên cơ sở đề xuất của cơ quan chuyên môn, xác định sẽ xây các cổng chào tại các cửa ngõ Thủ đô, có tính chất trang hoàng thành phố nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm nhưng phải tiết kiệm.

Có thể khẳng định, xây dựng cổng chào cho Thủ đô là cần thiết. Việc làm này cũng phù hợp với truyền thống, thông lệ lâu nay không chỉ ở nước ta, mà cả với thế giới. Từ lâu rồi, ở mỗi vùng, mỗi tỉnh vẫn thường có các cổng chào hay biển chào mừng trước khi vào địa phận. Nhỏ hơn như ở mỗi làng quê thì chiếc cổng làng vẫn là một hiện hữu đầy bản sắc, đậm nét văn hóa. Trên thế giới, Khải hoàn môn của thủ đô Paris tráng lệ được xem là một biểu tượng cả về văn hóa và kiến trúc của nước Pháp. Bởi vậy mà nhiều người cho rằng ai đến Paris mà chưa chụp một bức hình kỷ niệm dưới chân cổng chào này thì chưa được coi là đến nước Pháp. Hay chiếc cổng chào "Leningrad - Thành phố Anh hùng" ở thành phố Saint Petersburg của nước Nga tuy giản dị nhưng hiên ngang và quan trọng hơn nó như một biểu tượng của bản hùng ca của thành phố, của nước Nga.

Lúc này, điều đáng quan tâm hơn có lẽ không phải câu hỏi "cần hay không những chiếc cổng chào", mà là nên làm như thế nào cho trang trọng, cho đẹp khi mà thời gian đến Đại lễ không còn nhiều. Cũng có người còn cấn cá về kinh phí bỏ ra là lãng phí, khi còn nhiều việc cần đến tiền hơn, rằng tại sao không dùng số tiền này vào nhiệm vụ an sinh xã hội. Dĩ nhiên nếu chuyện gì cũng so đo quá e rằng sẽ lỡ việc. Chuyện nào ra chuyện đó. An sinh xã hội và người nghèo đều đã được thành phố tính toán, chăm lo, chứ không phải vì làm cổng chào mà ảnh hưởng đến tiền chi cho nhân dân. Hơn nữa xây dựng cổng chào sẽ dùng từ nguồn vốn xã hội hóa, tức nguồn vốn của các doanh nghiệp tham gia tài trợ như những tấm lòng dành cho Thủ đô mà không đòi hỏi quyền lợi đáp lại. Ý nguyện của họ đáng ghi nhận với thái độ trân trọng.

Còn 99 ngày nữa sẽ tới Đại lễ. Thời gian rất gấp, nhưng chắc chắn chúng ta cũng không thể vội vàng quá mà làm hỏng việc. Phải khẳng định rằng, quyết định làm những cổng chào vào thời điểm này không phải là chuyện phong trào, phô trương, mà đây chắc là một việc làm cần thiết, ý nghĩa phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam. Chính vì thế, thay vì những băn khoăn thiệt hơn, chúng ta hãy cùng đóng góp làm sao cho những chiếc cổng chào ấy có chất lượng nhất, thẩm mỹ nhất và mang dấu ấn văn hóa đậm nét nhất…, với tất cả tình yêu dành cho Thủ đô của chúng ta.

Nữ Quỳnh