Thủ đô phải khang trang, sạch đẹp trong ngày Đại lễ
Chính trị - Ngày đăng : 07:59, 02/07/2010
Ông Trần Trọng Toàn (Bộ Giáo dục và Đào tạo): Nhanh chóng chỉnh trang đô thị, nhưng phải bảo đảm chất lượng
Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là sự kiện lớn, không chỉ của Thủ đô mà là của cả nước. Tôi được biết Hà Nội đang có nhiều công trình, dự án chào mừng Đại lễ, trong đó có các dự án chỉnh trang đô thị được nhân dân hết sức quan tâm. Nối tiếp những thành công trong việc tẩy trừ tệ đổ rác ra đường phố và xóa rác trên tường mà Báo Hànộimới đã đi đầu tuyên truyền thực hiện rất có hiệu quả từ năm 2009 đến nay. Những ngày này, các công việc chỉnh trang đô thị như: lát lại vỉa hè; hạ ngầm hệ thống dây điện, dây cáp; sơn, quét vôi tường, nhà mặt phố… đang được Hà Nội triển khai rất khẩn trương. Các đơn vị thi công cần phải đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, nhưng chất lượng các công trình vẫn phải bảo đảm, nhất là việc hoàn trả nguyên trạng đối với các công trình dân sinh nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Bà Nguyễn Giang Thủy (147 phố Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hai Bà Trưng): Liệu có xảy ra ùn tắc giao thông trong những ngày Đại lễ?
Thực tế cho thấy, thời điểm có số ngày nghỉ kéo dài 3-4 ngày, nhiều nơi vui chơi, giải trí đã quá tải kéo theo bao hệ lụy cho những người muốn nghỉ ngơi, thư giãn. Dịp nghỉ lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được biết sẽ kéo dài tới 10 ngày, liệu người dân có phải chịu cảnh tắc đường, không chỗ dừng, đỗ phương tiện, phải trả tiền trông giữ xe với giá "cắt cổ"...? Các cơ quan chức năng và ngành giao thông - vận tải cần có những phương án phù hợp không để xảy ra tình trạng đó, làm mất đi vẻ đẹp của Thủ đô trong dịp Đại lễ.
Nguyễn Văn Dũng (sinh viên Trường đại học Xây dựng): Phấn đấu học tập vì Thủ đô thân yêu
Chiếc đồng hồ đếm ngược đang nhích dần về ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Một thiên niên kỷ đã qua, Hà Nội đã trải qua biết bao thăng trầm, trong đó có cả sự hy sinh, mất mát, để rồi đang vững bước đi lên. Để xứng đáng với truyền thống hào hùng của dân tộc, sự hy sinh của những thế hệ đi trước, chúng tôi luôn phấn đấu rèn luyện, học thật giỏi, trở thành người có ích cho xã hội, Thủ đô thân yêu.
Ông Tôn Ngạn Tuấn (Tiến sỹ, bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng Thượng Hải, Trung Quốc): Mong đến Việt Nam dịp Đại lễ
Năm ngoái, tôi được đến TP Hồ Chí Minh và đi thăm địa đạo Củ Chi để tận mắt chứng kiến những đường hầm chiến đấu và hiểu sức chịu đựng và sự chiến đấu, hy sinh của người dân Việt Nam vĩ đại như thế nào để có ngày Độc lập hôm nay. Năm nay, tôi đã lên kế hoạch đưa vợ con đến Hà Nội nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi muốn được thưởng ngoạn một Hà Nội đậm nét văn hiến nghìn năm đang trên đà phát triển.
Chị Đỗ Thị Hiền (phố Ngô Gia Khảm, quận Hà Đông): Cần có nhiều hoạt động ở địa bàn Hà Nội mở rộng
Thường xuyên đi các huyện, nhất là các địa bàn thuộc Hà Nội mở rộng, tôi thấy ở những nơi này không khí Đại lễ còn mờ nhạt. Tôi nghĩ chính quyền thành phố và các địa phương đã quan tâm thì cần quan tâm hơn đến những địa bàn của Hà Nội mở rộng, để vừa góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương, vừa chào mừng Đại lễ một cách thiết thực, có ý nghĩa.
Ông Phạm Quang Thu (số nhà 18, ngõ 94, phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình): Cần có sự đồng thuận giữa các bên liên quan
Các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội còn bộn bề, trong khi đó thời gian chỉ còn 100 ngày. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ các công trình bị chậm, trong đó vấn đề cốt yếu là việc giải phóng mặt bằng không đạt được sự đồng thuận giữa chính quyền địa phương, chủ đầu tư, đơn vị thi công và người dân. Để các công trình được hoàn thành đúng tiến độ, hơn ai hết, giữa các bên phải có sự đồng thuận và người dân cũng cần đặt lợi ích chung lên hàng đầu, sớm bàn giao mặt bằng.