Cạnh tranh để phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 07:20, 02/07/2010
Quá trình nội địa hóa linh kiện xe gắn máy của Công ty TNHH Sông Công - Hà Đông đã được ghi nhận khi DN được trao giải thưởng "Sao Vàng đất Việt" năm 2005, một danh hiệu tôn vinh sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao.
Từ xưởng sửa chữa nhỏ
Sinh ra và lớn lên ở quận Hà Đông, khi xuất ngũ trở về địa phương làm nghề sửa chữa cơ khí, năm 1987 anh Đặng Duy Phương đứng ra thành lập Tổ sản xuất cơ khí Tháng Tám. Ban đầu, tổ sản xuất chỉ có 1 máy tiện, 1 máy hàn, một số dụng cụ đồ nghề dùng cho sửa chữa xe máy và gia công một số chi tiết cơ khí.
Sản xuất linh kiện xe máy tại Công ty TNHH Sông Công - Hà Đông. Ảnh: Thái Hiền |
Trước khi sản xuất, anh Phương đi các nhà máy cơ khí lớn học tập phương pháp gia công chế tạo vật liệu. Sau hai năm nghiên cứu, tổ hợp cơ khí Tháng Tám sản xuất thành công sản phẩm vòng găng xe máy. Sản phẩm này ra đời, được thị trường chấp nhận ngay bởi chất lượng và giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng nhập ngoại. Năm 1994, anh Phương quyết định xuất ngoại học tập kinh nghiệm mô hình tổ chức sản xuất, phương pháp quản lý để nâng cao công suất và hoàn chỉnh công nghệ về thành lập Công ty TNHH Sông Công - Hà Đông.
Đến sản phẩm đạt danh hiệu "Sao Vàng đất Việt"
Khi mới thành lập, nhà xưởng sản xuất nhỏ, máy móc thiết bị ít, chỉ có 30 lao động nhưng với quyết tâm xây dựng cơ sở chuyên sâu sản xuất các linh kiện xe gắn máy, Công ty TNHH Sông Công - Hà Đông chọn cách trực tiếp đối mặt với cạnh tranh để phát triển.
Để cạnh tranh và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chiến lược "Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm" được công ty đặt lên hàng đầu. Công ty đã nghiên cứu, cải tiến và chế tạo nhiều thiết bị trong dây chuyền sản xuất thành thiết bị chuyên dùng bảo đảm các tính năng kỹ thuật đạt tiêu chuẩn với giá thành rẻ. Chỉ trừ những bộ phận nào không thể tự sản xuất, công ty mới mua mới. Nhờ vậy, mà chỉ với số vốn ban đầu hơn 3 tỷ đồng, Công ty đã có dây chuyền sản xuất vòng găng khép kín.
Thị trường tiêu thụ mở rộng, có nhiều hợp đồng, Công ty TNHH Sông Công - Hà Đông tiếp tục cử người đi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các chuyên gia Đài Loan về mạ kẽm theo công nghệ mới để cuối năm 1995 sản xuất được 35 chi tiết xe máy với gần 400.000 sản phẩm cho Công ty VMEP. Nhận thấy supáp là chi tiết thường xuyên phải thay thế, nhu cầu thị trường lớn nhưng trong nước lại chưa có đơn vị sản xuất, nên Công ty TNHH Sông Công - Hà Đông nhanh chóng tiếp cận công nghệ sản xuất của nước ngoài, chế tạo các thiết bị chuyên dùng trên dây chuyền công nghệ cao. Tháng 10-1997, dây chuyền sản xuất supáp đi vào hoạt động giảm giá thành đầu tư sản xuất xuống chỉ còn 1/10 giá nhập. Đây chính là sản phẩm của công ty được trao giải thưởng "Sao Vàng đất Việt".
Từ những nỗ lực trong đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, Công ty đã trở thành một đơn vị chuyên sâu sản xuất các linh kiện xe gắn máy với các sản phẩm đặc trưng như: vòng găng, supáp, sơ mi xe gắn máy… mang nhãn hiệu Sông Công - Hà Đông. Năm 2003, trên khuôn viên gần 4ha ở phường Yên Nghĩa (Hà Đông) mô hình sản xuất linh kiện xe gắn máy của Sông Công - Hà Đông được xây mới trong đó phân xưởng đúc gang, nhôm bằng lò điện được vận hành theo công nghệ tiên tiến. Nhờ vậy, Công ty đã chủ động tạo phôi nguyên liệu đầu vào, tận dụng được các loại phế liệu làm nguyên liệu đúc, nên giá thành sản phẩm hạ thấp tới 40%. Chính từ đổi mới công nghệ, Công ty đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm. Các sản phẩm của Công ty được nâng cao chất lượng, tăng trưởng đạt bình quân 30%/năm, thu nhập bình quân của người lao động đạt 2,6 triệu đồng/người/tháng.
Thời kỳ hội nhập WTO, ngành cơ khí được các chuyên gia kinh tế xác định là một trong những ngành gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty TNHH Sông Công vẫn tự tin, khẳng định khả năng cạnh tranh vượt trội của mình.