Các nhà khoa học vào cuộc “giải phẫu” Jabulani...

Xã hội - Ngày đăng : 15:31, 01/07/2010

Các nhà khoa học đã vào cuộc “giải phẫu” quả bóng Jabulani để tìm hiểu vì sao nó khiến các thủ môn hoảng sợ...


Sau khi FIFA thừa nhận quả bóng Jabulani “có vấn đề”, các nhà khoa học nổi tiếng thế giới đã tìm ra câu trả lời: đó là do Jabulani có hình cầu gần như hoàn hảo.

Vẻ mặt hoảng sợ của thủ môn Casillas (Tây Ban Nha) trước đường bay khó đoán của Jabulani từ một cú sút của Ronaldo (Bồ Đào Nha) - Ảnh: AFP

Hãng dụng cụ thể thao Adidas dựa theo yêu cầu của FIFA đã thiết kế một quả bóng hoàn hảo, có khả năng khuyến khích sự hấp dẫn của bóng đá tại VCK World Cup 2010. Thế nhưng sự ra đời của Jabulani đang làm đau đầu các cầu thủ và gây nhiều tranh cãi.

Jabulani được cấu tạo từ tám mảnh ghép (trước đây bóng thường được ghép từ 32 mảnh hoặc 20 mảnh hình lục giác hay 12 mảnh ngũ giác). Ngoài ra, bóng được khâu từ bên trong và sử dụng công nghệ hàn nhiệt để chống thấm nước và có độ nhẵn cao. Sau nhiều cuộc kiểm tra trên mô hình máy tính cũng như ngoài sân bởi các nhân viên Adidas, quả bóng Jabulani được kết luận “tròn một cách hoàn hảo” với sai số đường kính chưa tới 1% inch (25,4mm).

Cấu tạo của quả bóng Jabulani - Ảnh: AFP


Theo tờ Los Angeles Times (Mỹ), một số nhà khoa học hàng đầu của Mỹ đã vào cuộc tìm lời lý giải bí mật của quả bóng Jabulani. Và kỹ sư hàng không thuộc Học viện kỹ thuật California Beverly McKeon sử dụng đường hầm gió để nghiên cứu quỹ đạo bay của Jabulani.

So sánh kết quả quỹ đạo bay của Jabulani với những quả bóng trước đây, McKeon kết luận: “Quỹ đạo bay của Jabulani rất mất ổn định”. Nguyên nhân được McKeon lý giải là do Jabulani được thiết kế với hình cầu gần như hoàn hảo, nhẵn bóng nhờ ít đường khâu và chỉ có tám mảnh ghép.

Phó giám đốc Viện khoa học vận động Marseille Eric Berton cũng đồng ý với giải thích của McKeon: “Do đường khâu được thực hiện phía bên trong nên quả bóng là một hình cầu gần như hoàn hảo. Thật trớ trêu khi đó chính là vấn đề của Jabulani”.

Khoa học từng chứng minh những quả bóng thô, nhám thường có xu hướng ổn định hơn khi bay trong không khí. Giải thích về mặt khí động lực học, sự gồ ghề bề mặt tạo ra những cuộn xoáy không khí bao quanh quả bóng khi bay và giúp giữ sự ổn định cho quỹ đạo bay của bóng.

Những môn thể thao khác như quần vợt, golf hay bóng chày, quả bóng thường được chế tạo không đều hoặc thô ráp với các đường rãnh hoặc lỗ li ti trên bề mặt là vì lý do này. Trưởng khoa vật lý Đại học Virginia (Mỹ) nói: “Nếu quả bóng golf không có những lỗ nhỏ li ti trên bề mặt, bạn không thể đánh nó đi xa hơn 100m và khó mà đoán được nó sẽ bay theo quỹ đạo nào”.

Berton nói thêm: “Vì bóng quá tròn nên thời gian tiếp xúc với bàn chân cầu thủ bị giảm. Hậu quả là bóng sẽ bay không xa, rớt nhanh hơn và chuyển hướng đột ngột”. Nhà khoa học người Úc Derek Leinweber thuộc Trường đại học Adelaide phân tích dựa trên mô phỏng máy tính kết luận: “Quả bóng bay nhanh hơn, mất ổn định hơn nên thủ môn luôn bị đẩy vào thế bị động”.

Chuyên gia Nhật Bản Kazuya Seo thuộc Trường đại học Yamagata cũng thừa nhận quỹ đạo bay của Jabulani bất thường hơn quả bóng Teamgeist được sử dụng ở World Cup 2006 vì quá nhẵn. Một cuộc nghiên cứu sâu sau đó giúp Seo khám phá: “Jabulani có khuynh hướng chậm đột ngột giữa quỹ đạo bay”.

Ngoài ra, không khí loãng tại Nam Phi cũng là chất xúc tác khiến Jabulani thêm khó đoán ở những cú đá mạnh bởi bóng sẽ đi nhanh hơn nhưng lại “nhễu” xuống rất nhanh. Sáu trong 10 sân vận động được sử dụng tại VCK World Cup 2010 nằm ở độ cao trên 1.200m so với mực nước biển nên không khí rất loãng.

Chuyên gia kỹ thuật Erik Van Leeuwen của Hãng Adidas nói: “Không khí loãng cũng ảnh hưởng đến quỹ đạo bay của bóng. Ở độ cao như tại Nam Phi, bóng có thể bay với tốc độ nhanh hơn 5% so với bình thường và “nhễu” xuống nhanh hơn”. Đó là lý do để giải thích việc hai cầu thủ người Nhật Keisuke Honda và Yasuhito Endo có thể ghi bàn từ khoảng cách ngoài 30m trong trận thắng Đan Mạch 3-1.

Theo Tuổi trẻ