Tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân: Còn nhiều bất cập

Xã hội - Ngày đăng : 07:01, 01/07/2010

(HNM) - Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, từ khi thực hiện Luật BHYT đến nay, cả nước có 53 triệu người được cấp thẻ BHYT, chiếm 62% dân số. Trong số này, nhóm đối tượng khó khăn, yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi… được Nhà nước hỗ trợ để được hưởng những quyền lợi cơ bản khi khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, cũng theo BHXH Việt Nam, việc phát triển số người có thẻ BHYT, tiến tới BHYT toàn dân cũng như việc bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người có thẻ đang có nhiều vấn đề bất cập.

Khó phát triển đối tượng…

Theo báo cáo chưa đầy đủ của BHXH Việt Nam, tính đến hết quý I, tổng số lượt khám, chữa bệnh (KCB) BHYT là 23 triệu lượt, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước; tổng chi KCB theo BHYT là 3.900 tỷ đồng, tăng 36%. Trong đó có nhiều bệnh nhân nặng, chi phí lớn như chạy thận nhân tạo, ung thư, mổ tim hở và các bệnh về máu.

Người dân chờ làm thủ tục khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại Bệnh viện Xanh Pôn.

Như vậy đã rõ, những năm gần đây, người có thẻ BHYT đã có quyền lợi khá lớn khi tham gia BHYT. Tuy nhiên, việc phát triển đối tượng tham gia BHYT, tiến tới thực hiện BHYT toàn dân đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với trẻ em dưới 6 tuổi, hộ nghèo và học sinh, sinh viên. Lý do được cơ quan BHXH đưa ra là các cơ quan quản lý trẻ em chậm bàn giao, cung cấp danh sách trẻ em dưới 6 tuổi cho cơ quan BHXH. Đối với những hộ cận nghèo và hộ nghèo, mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 50% mức phí của thẻ BHYT nhưng họ vẫn không mấy mặn mà tham gia. Riêng đối với học sinh, sinh viên, do mức phí mua thẻ BHYT cao hơn năm trước nên cũng ít người tham gia. Đối với công tác phát triển thẻ tại các xã, phường, do Luật BHYT quy định không có kinh phí hỗ trợ cho các đại lý thu tại xã, phường nên việc triển khai thực hiện và phát triển đối tượng tự nguyện tham gia BHYT chậm.

Người có thẻ BHYT chưa được hưởng đúng

Theo quy định của Thông tư số 14/TTLT ngày 30-9-1995, giá các dịch vụ KCB đến nay quá thấp so với chi phí thực tế, trong khi đó giá dịch vụ kỹ thuật theo quy định tại Thông tư số 03/2006 liên Bộ Y tế - Tài chính và LĐ-TB&XH thì khoảng cách giữa mức trần và mức sàn quá rộng và giá quá cao. Đặc biệt, việc chỉ định các dịch vụ kỹ thuật, chất lượng của các dịch vụ kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở KCB chưa có các quy định chuẩn, dẫn đến tình trạng nhiều bệnh viện chỉ định quá nhiều dịch vụ kỹ thuật không cần thiết trong điều trị, gây lãng phí quỹ BHYT. Bên cạnh đó, việc quản lý giá thuốc KCB BHYT còn nhiều bất cập, chưa có văn bản quy định rõ vai trò của cơ quan BHXH trong việc quản lý và đấu thầu thuốc BHYT. Do đó, mặc dù việc cung cấp thuốc cho các bệnh viện phải qua đấu thầu nhưng hầu hết các bệnh viện đều áp giá sát với mức trần khiến giá thuốc trong bệnh viện tăng cao.

Theo Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, biến động về giá thuốc trong nước vừa qua là có thật và một phần do những yếu tố khách quan từ thị trường. Tuy nhiên, giá thuốc chỉ biến động nhẹ với thuốc nội và đa số là thuốc thông dụng. Các loại thuốc tăng chủ yếu là thuốc ngoại nhập và biệt dược. Đáng chú ý, việc tăng giá thuốc ở mức cao và tăng ở nhiều mức khác nhau phần lớn xảy ra tại các bệnh viện đã qua đấu thầu được Quỹ BHYT chi trả.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giang, chuyên viên giám định BHYT, BHXH Hà Nội cho rằng, hiện nhiều bệnh viện đang áp giá thuốc và một số loại vật tư y tế cao hơn thực tế, thậm chí còn cao hơn quá nhiều so với giá thị trường, vừa gây thiệt thòi cho người tham gia BHYT, vừa gây khó khăn cho các giám định viên BHYT. Ông Giang lấy ví dụ, có những vật tư y tế mua ngoài thị trường chỉ 7 triệu đồng, mua ở Bệnh viện Việt - Đức hơn 10 triệu đồng nhưng một số bệnh viện tính giá lên đến hơn 20 triệu đồng. Với cách tính giá của các nơi như vậy, giám định viên sẽ chỉ áp dụng cho phép thanh toán ở mức 10 triệu đồng. Và nếu người bệnh sử dụng vật tư của bệnh viện ở mức 30 triệu đồng sẽ phải tự thanh toán!

Bảo đảm quyền lợi người bệnh: Cách nào?

Theo BHXH Việt Nam, để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT, thực hiện chính sách an sinh xã hội tiến tới BHYT toàn dân, Chính phủ cần sớm điều chỉnh các chính sách thu viện phí cho phù hợp với chi phí thực tế tại các cơ sở KCB. Đặc biệt, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT. Ngoài ra, cần phải tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách để củng cố, phát triển mạng lưới KCB, nhất là mạng lưới y tế cơ sở để giảm quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương, bảo đảm việc đăng ký KCB ban đầu tại tuyến huyện, tuyến xã theo quy định của Luật BHYT. Bên cạnh đó, Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành, cần sớm có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát và lập danh sách các đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi, hộ cận nghèo và người nghèo còn lại, chuyển cơ quan BHXH để hoàn tất việc cấp thẻ theo quy định của Luật BHYT.

Riêng đối với việc quản lý giá thuốc chữa bệnh trong nước, Bộ Y tế cần có phương án bình ổn giá mặt hàng đặc thù này, đồng thời phối hợp với BHXH Việt Nam thí điểm phương thức đấu thầu thuốc quốc gia, thống nhất giá thuốc và bảo đảm giá thuốc trong bệnh viện không cao hơn giá thuốc ngoài thị trường. Đặc biệt, cần ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước và quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn chi phí thuốc BHYT. Bộ Y tế cũng cần sớm ban hành các quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị chuẩn trong chẩn đoán và điều trị nhằm bảo đảm việc chỉ định, sử dụng các xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật y tế được thực hiện theo đúng yêu cầu chuyên môn, tránh lãng phí, gây lạm chi cho Quỹ BHYT.

Bảo Chân