Lao động ngoại tỉnh ở Thủ đô: Niềm vui và cả nỗi lo
Đời sống - Ngày đăng : 06:58, 01/07/2010
Đó chỉ là một vài chuyện không ai dám nghĩ đến ở "Nhà sinh hoạt cộng đồng ngày mới" dành cho những lao động di cư, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội.
Chị Tươi ở huyện Phú Xuyên, anh Kiều ở Hà Nam vốn là lao động nông thôn lên phố làm việc phổ thông tự do. Bao năm vật lộn với cơm áo, gạo tiền, tình cờ anh chị được chọn là một trong 20 đồng đẳng viên nòng cốt tại khóa đào tạo 3 năm của Dự án "Nhà sinh hoạt cộng đồng ngày mới", một mô hình cho người di cư tại Hà Nội. Họ được học tập, được cấp bằng và được làm việc như một nhân viên thực sự với công việc tổ chức các khóa đào tạo về các chủ đề luật pháp như Luật Cư trú, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội; di cư an toàn, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống ma túy, mại dâm, sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống… cho những lao động di cư. Bên cạnh đó, họ còn tổ chức khám sức khỏe định kỳ vào thứ 7 hằng tuần, siêu âm, cấp phát thuốc thiết yếu. Thậm chí, hằng năm, những đồng đẳng viên này còn tổ chức một số đợt khám lưu động tại các tụ điểm đông người di cư như vườn hoa Hàng Đậu, chợ Long Biên, khu làng chài... Đặc biệt, 7 đồng đẳng viên đã có cơ hội tham quan các mô hình di cư tại Thái Lan.
Tiếp xúc với những đồng đẳng viên năng động như chị Tươi, anh Kiều, quả là khó có ai nghĩ rằng họ là những lao động di cư. Tự tin trong giao tiếp, phát biểu trôi chảy trong hội nghị, kiến thức, kỹ năng sống rộng mở… đã nâng cao vị thế của họ rất nhiều. Họ đã có đủ niềm tin để giới thiệu, đưa bạn bè, đồng nghiệp cũng là những lao động ngoại tỉnh (LĐNT) đến tham gia sinh hoạt tại "sân chơi" hiếm có này để được hưởng những điều kiện sống an toàn, giảm thiểu nguy cơ trong cuộc sống.
Nhiều LĐNT tại khu vực phường Phúc Xá cho biết, từ sau khi tham gia "sân chơi" bổ ích này, cảnh nhà trọ buồn, không nơi vui chơi, giải trí… đã chấm dứt. Cảnh thanh niên túm năm tụm bảy chơi cờ bạc, rượu chè dần ít đi. Thay vào đó là những buổi sinh hoạt tối với rất nhiều kiến thức bổ sung cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Hằng ngày từ 17-19h, nhà sinh hoạt mở cửa để mọi người tới xem tivi, đọc sách, báo, xem băng, đĩa, tờ rơi... về các vấn đề xã hội. Theo bà Nguyễn Thu Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Light), những lao động di cư, LĐNT tới làm việc tại Hà Nội cũng như những thành phố lớn luôn phải chịu thiệt thòi. Họ luôn thiếu thông tin, không có tiền mua sắm "dụng cụ bảo vệ", đã vậy lúc cô đơn, buồn chán họ hay bị bạn bè rủ rê nên tự đẩy mình vào chỗ không an toàn, nhiều người bị mắc bệnh, rơi vào tệ nạn lúc nào không hay.
Theo thống kê, hằng năm có khoảng 800.000 người lao động di cư đến làm ăn sinh sống tại Hà Nội (chiếm khoảng 25% dân số). Họ thường tập trung làm việc tại các khu chợ lớn, bãi đỗ xe, với những công việc mang tính thời vụ, không cố định, có thu nhập thấp. Chỉ tính riêng ở khu nhà trọ bên bờ đê sông Hồng tại phường Phúc Xá và một số phường lân cận của quận Ba Đình cũng có gần 2.000 lao động đang ở trọ, làm ăn, sinh sống. Trong số này, có khoảng 700-800 người thường xuyên hoạt động từ 2h sáng đến tận đêm khuya với đủ nghề bốc vác, xe ôm, đánh giày, buôn bán... Thống kê cũng cho thấy, thu nhập của họ còn khiêm tốn, người nhiều thì 2-3 triệu đồng/tháng, người ít thì 1 triệu đồng/tháng. Trừ các khoản chi phí sinh hoạt tối thiểu hằng ngày, họ không còn cả thời gian và tiền bạc để tìm hiểu những mối nguy cơ tiềm ẩn quanh họ. Theo khảo sát của Trung tâm Ánh sáng - Light, tại khu vực chợ Long Biên, 146/300 lao động di cư không nhận thức được những hiểm họa đối với những việc họ đang làm.
Thu nhập thấp, thiếu thốn tình cảm, thiếu hiểu biết - đó chính là nguyên nhân gây nên những tiêu cực trong nhóm lao động di cư ở Hà Nội. Hiện tại, đã có nhiều dự án tương tự như tại Trung tâm Ánh sáng - Light được thiết lập tại các khu vực có LĐNT, lao động di cư ở Hà Nội nhưng dường như vẫn ít nơi làm được như Trung tâm Ánh sáng. Bởi để thuyết phục được những LĐNT, lao động di cư trở thành những đồng đẳng viên năng động, góp phần nâng cao hiểu biết đối với lực lượng này quả không đơn giản khi áp lực cuộc sống đang hằng ngày đè nặng lên vai họ.