Không quá hoang mang về bọ xít hút máu người

Xã hội - Ngày đăng : 14:03, 30/06/2010

Thông tin các nhóm các nhà khoa học tại viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Hà Nội, phát hiện bọ xít hút máu người đang làm nhiều người hoang mang.

Theo tiến sĩ Trương Xuân Lam, trưởng phòng Côn trùng thực nghiệm (viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật), những con bọ xít màu nâu khi đậu vào người để lại những vết đỏ, to hơn nốt muỗi đốt trên da nhưng ít ai để ý. Chúng sống nhờ hút máu người và gia súc vào ban đêm; truyền chất gây tê, khiến người bị đốt rất khó có cảm giác để nhận biết.

Những con bọ xít màu nâu khi đậu vào người để lại những vết đỏ, to hơn nốt muỗi đốt trên da nhưng ít ai để ý. Ảnh: internet

Xuất hiện ở nhiều nơi

Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận có bệnh nhân bị bọ xít đốt ở Hà Nội, Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, do không biết thông tin, nhiều người lầm tưởng triệu chứng buồn ngủ là do công việc bận bịu, thiếu ngủ, hoặc nghĩ tới các bệnh lý về huyết áp, động mạch…

Loại bọ xít này cư trú ngay trong nhà, chứ không ưa sống ở nơi nhiều cây cối, rậm rạp. Điều nguy hiểm là ban ngày, chúng không bay hay bò ra kiếm ăn, mà chỉ nằm yên, lẩn trốn trong các ngóc ngách như giường, đệm, giá sách, tủ… ban đêm chúng mới hoạt động.

Loại bọ xít hút máu người này được phát hiện và nghiên cứu trên thế giới, nhất là các nước ở châu Mỹ Latin từ năm 1979. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên được nhắc đến và thể hiện rõ ràng ở các địa điểm cụ thể trong vùng, đặc biệt là thủ đô Hà Nội.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, loại bọ xít hút máu người trước chỉ xuất hiện tại những vùng trung du như khu vực rừng Quốc gia Ba Vì, Tam Đảo, Mê Linh (Hà Nội). Nhưng thời gian gần đây đã phát hiện loại bọ xít này ở khu vực thành phố vì đã tìm thấy loại thiểu trứng (bọ xít con) cùng với loại bọ xít trưởng thành.

Hiện đã thu thập mẫu được bọ xít này tại các khu vực ở Hà Nội như Nghĩa Đô, Cầu Đất, ven sông Hồng, Mê Linh và Hà Đông. Một gia đình sống ở Nghĩa Đô đã bắt được 13 con bọ xít loại hút máu trong một ngày.

Chưa có ai nhập viện vì bọ xít

Tiến sĩ Hồ Đình Trung, viện phó viện Sốt rét ký sinh trùng Trung ương khẳng định: “Tại viện chưa từng có bệnh nhân bị bọ xít đốt phải nhập viện”. Theo ông, bọ xít đốt hút máu đúng là từng có trên thế giới (châu Phi và một số nước châu Mỹ) đã từng ghi nhận. Khi bị bọ xít đốt hút sẽ gây buồn ngủ, còn tại Việt Nam chưa nghe thấy thông tin về loài này.

Tiến sĩ Trung cũng khuyên người dân không nên quá hoang mang bởi nếu ở Việt Nam có xuất hiện loại bọ xít này thì khả năng gây thành dịch lớn là rất khó. “Tỷ lệ mắc chắc chắn sẽ thấp do không phải bọ xít nào đốt cũng gây bệnh”.

Tại bệnh viện bệnh nhiệt đới quốc gia, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó khoa cấp cứu - điều trị tích cực cũng cho biết, có nghe thông tin về loại bọ xít này trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng tại viện chưa tiếp nhận bệnh nhân bị bọ xít đốt.

Giáo sư Bùi Công Hiển, giám đốc trung tâm Ứng dụng côn trùng học, đại học quốc gia Hà Nội thì cho rằng “không nên quá trầm trọng hóa” vấn đề bọ xít hút máu người.

“Tuy nhiên, với loài bọ xít chúng ta nói tới, có tồn tại ở Việt Nam, chúng sống chủ yêu ngoài tự nhiên, gần trâu, bò… khi có ánh sáng mới bay vào đốt con người, gây mẩn ngứa, sưng tấy tùy cơ địa của từng người. Số lượng loại này có lẽ không nhiều và hiện chưa có một nghiên cứu nào về khả năng gây chết người, hay nguy hiểm nghiêm trọng cả”, ông Hiển nói.

Theo SGTT