Chứng khoán giảm theo thị trường thế giới

Tài chính - Ngày đăng : 12:38, 30/06/2010

(HNMO) - Ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua, trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng (30/6), chỉ số của hai thị trường chứng khoán tập trung trong nước đảo chiều đi xuống, trong đó Vn-Index mất mốc 510 điểm vừa lập được hôm trước.


Mở cửa thị trường, nhà đầu tư đón nhận không tin xấu là đêm qua thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh. Một loạt tin xấu, trong đó có chỉ số niềm tin của người tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 5/2010 đã giảm gần 10 điểm xuống 52,9 điểm-mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2010, kéo các chỉ số chủ chốt của thị trường này giảm khá mạnh: Chỉ số Dow Jones giảm 269,22 điểm (-2,65%), đóng cửa ở mức 9.870,3 điểm; chỉ số Nasdaq mất 85,47 điểm (-3,85%), dừng ở mức 2.135,18 điểm; chỉ số S&P 500 hạ 33,33 điểm (-3,1%), dừng ở mức 1.041,24 điểm.


Thông tin xấu trên đã làm tâm lý nhà đầu tư tại thị trường trong nước hoang mang. Vì vậy, ở đợt khớp lệnh đầu tiên, lệnh bán được họ tung ra mạnh khiến Vn-Index giảm tới 9,52 điểm, tương đương 1,86%, xuống mức 501,9 điểm. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch tăng đáng kể so với cùng đợt khớp lệnh phiên trước, đạt gần 6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 215,799 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, lệnh bán vẫn được nhà đầu tư ưu tiên hơn nhưng họ không còn tung ra mạnh như trước, Vn-Index hạ 5,97 điểm (-1,16%), xuống mức 504,74 điểm.

Về cuối phiên, nhà đầu tư có phần bình tĩnh hơn. Đóng cửa thị trường, Vn-Index dừng ở mức 507,14 điểm, chỉ hạ 3,57 điểm (-0,69%).

Cổ phiếu lớn nhỏ đều bị nhà đầu tư bán nhiều. Nếu như hôm qua, nhóm blue-chips lên giá chiếm đa số thì hôm nay ngược lại: DXG, FPT, HAG, ITA, KBC, OGC, PPC, PVF, REE, SJS, SSI, VNM, SAM hạ với biên độ khá rộng, từ 100 đến 3.000 đồng/cổ phiếu. Kể cả nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đã liên tiếp lên giá trong hai phiên vừa qua hôm nay cũng đảo chiều đi xuống: CTG và EIB cùng hạ 500 đồng/cổ phiếu, VCB và STB đều mất 200 đồng/cổ phiếu.

Chỉ một số mã trong nhóm này “xanh” là DIG, DPM, HPG, PVD, VIC, ghi 200-1.200 đồng/cổ phiếu. Những mã khác không thuộc nhóm này tăng giá là AGF, BMI, CSM, CTI, DIC, DTT, FDC, HBC, HLA, HT1, LGC, LIX, MAF, MCG, NHW, NVN, TIE, VFG, VPK…

Mặc dù xu hướng chính là đi xuống nhưng khá nhiều mã được nhà đầu tư mua vào nhiều trong phiên này nên vẫn còn dư mua ở mức trần như AGD, HTV, L10, PJT, MHC, SGT, TRI, VID, UIC, VKP.

Sức cung áp đảo sức cầu thể hiện rõ ở số mã cổ phiếu tăng-giảm giá. Thị trường ghi nhận 169 mã giảm giá, nhiều gấp hơn 3 lần số mã tăng giá (46), 30 mã còn lại giữ giá tham chiếu.

Hôm nay, sàn Tp.HCM đón thêm một mã cổ phiếu là GTT của CTCP Thuận Thảo. Đóng cửa thị trường ở mức 16.000 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù chỉ số chung giảm nhưng tính thanh khoản của thị trường lại tăng mạnh so với phiên trước. Tính cả giao dịch thỏa thuận, toàn thị trường có xấp xỉ 60 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị là trên 1.830 tỷ đồng, tăng lần lượt 27% và 26% so với phiên giao dịch hôm qua.

Quay đầu giảm 2,52 điểm, tương đương 1,56%, đóng cửa phiên cuối tháng HNX-Index rời khỏi mốc 160 điểm, còn mức 158,81 điểm. Khác với sàn Tp.HCM, tại đây khối lượng giao dịch lại giảm khá mạnh xuống mức xấp xỉ 40 triệu cổ phiếu, giá trị đạt trên 1.164 tỷ đồng.

Cùng chiều với hai thị trường chính thức, đóng cửa phiên giao dịch buổi sáng, UPCoM-Index tạm dừng ở mức 47,32 điểm, hạ 0,59 điểm (-1,23%). Khối lượng giao dịch tại đây cũng giảm mạnh. Toàn thị trường có xấp xỉ 180.000 cổ phiếu được sang tay, tương ứng giá trị 3,484 tỷ đồng.

Thủy Hương