Bảo đảm 100% trẻ có chỗ học
Giáo dục - Ngày đăng : 06:10, 30/06/2010
Giờ kể chuyện của cô và bé Trường Mầm non Họa Mi (Ba Đình). Ảnh: Nguyệt Ánh |
Theo tờ trình về công tác TS của Sở GD-ĐT đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, năm học 2010-2011, các trường MN phấn đấu huy động 25% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ (tương ứng với khoảng 71.500 bé) và 85% trẻ mẫu giáo (259.000 bé) ra lớp, trong đó ưu tiên chỗ học cho 100% số trẻ 5 tuổi theo chủ trương của Bộ GD-ĐT. Các trường TH, THCS cũng sẽ đón 100% số HS trong độ tuổi, với khoảng 113.000 HS lớp 1 và 78.500 HS lớp 6. Thời gian TS kéo dài từ ngày 1 đến 15-7 (với HS đúng tuyến) và từ ngày 16 đến 24-7 (với HS trái tuyến, nếu có).
- Việc phân chia đối tượng HS đúng tuyến, trái tuyến sẽ căn cứ theo những điều kiện nào, thưa ông?
- Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS và phụ huynh, đáp ứng nguyện vọng học tập của mọi HS, việc quy định HS đúng tuyến, trái tuyến sẽ căn cứ vào tình hình thực tế ở từng địa bàn cụ thể (điều kiện đáp ứng của các nhà trường, địa bàn cư trú thực tế của HS…).
Theo đó, các phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã được giao quyền chủ động xây dựng kế hoạch TS cho đơn vị mình như phối hợp với đơn vị liên quan điều tra số lượng HS trong độ tuổi trên địa bàn; rà soát điều kiện phục vụ cho hoạt động dạy - học của các nhà trường (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy - học…). Căn cứ vào quy mô, vị trí, số lượng HS cư trú trên địa bàn của từng trường, các quận, huyện, thị xã sẽ phân chia địa bàn TS, giao chỉ tiêu TS cụ thể cho từng trường, quy định đối tượng TS (đúng tuyến, trái tuyến), quy định về số HS/lớp, số lớp của từng trường…
- Chủ trương kiên trì với "ba giảm" và các biện pháp kiên quyết trong công tác TS của Hà Nội vài năm gần đây đã góp phần tạo sự đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn, song dường như, áp lực xin học trái tuyến ở một số trường vẫn chưa giảm nhiều?
- Yêu cầu được nhấn mạnh với các đơn vị trong công tác TS năm nay là tiếp tục hạn chế số lượng HS trái tuyến, song có điểm khác là phải giảm HS trái tuyến khác quận, huyện, thị xã nhằm phát huy hiệu quả của chủ trương "ba giảm" mà Hà Nội đã triển khai từ nhiều năm nay (giảm số HS trái tuyến, giảm số HS trong một lớp, giảm số lớp đối với những trường có quy mô quá lớn). Cũng đã có nhiều giải pháp được áp dụng như quy định số HS/lớp, số m2/HS, coi công tác TS là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua… Nhờ thế, số lượng HS trái tuyến ở nhiều nơi đã giảm, song ở một số trường có chất lượng, số HS xin học trái tuyến vẫn còn. Tâm lý muốn cho con học trường tốt là điều dễ hiểu, song kết quả dạy - học trong một, hai năm gần đây cho thấy sự chênh lệch về chất lượng giữa các trường đã giảm đáng kể, ngày càng có thêm nhiều ngôi trường được phụ huynh nhắc tới với thành tích dạy - học tốt.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai việc luân chuyển cán bộ, giáo viên, xây dựng thêm trường và phòng học, tăng cường cơ sở vật chất cho những trường khó khăn để điều hòa chất lượng, hạn chế dần số HS trái tuyến và những bất hợp lý khác nảy sinh trong công tác TS, giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông ở một số nơi.
- Nhưng dường như việc lo chỗ học cho con vẫn luôn là mối lo canh cánh của các bậc phụ huynh trước mỗi mùa TS. Liệu có HS nào không có chỗ học không, thưa ông?
- Kế hoạch TS của Hà Nội sẽ bảo đảm cho 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi, HS đến tuổi vào lớp 1, lớp 6 đều có chỗ học. Như đã nói, các quận, huyện, thị xã được giao quyền tự chủ để quyết định việc phân tuyến TS hợp lý sao cho mọi HS đều có chỗ học, vì thế có nơi HS phường này được sang phường bên cạnh học… Khi thực hiện công tác TS, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến HS ở các khu đô thị mới và HS của các gia đình thuộc diện tái định cư do giải phóng mặt bằng. Với những nơi chưa có trường, phòng GD-ĐT phải tham mưu, báo cáo UBND quận, huyện, thị xã bố trí chỗ học cho HS và thúc đẩy việc xây thêm trường mới theo quy hoạch.
- Xin cảm ơn ông!
- Theo yêu cầu của Sở GD-ĐT, các trường MN tuyệt đối không được TS trước thời gian quy định. Sau khi đã nhận đủ số trẻ trên địa bàn, nếu còn chỉ tiêu các trường có thể tiếp nhận trẻ trái tuyến cho đủ chỉ tiêu được giao. - Độ tuổi TS vào lớp 1: Trẻ sinh năm 2004. Trẻ bị tàn tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ ở nước ngoài về nước có thể vào học lớp 1 ở độ tuổi từ 7 đến 9 tuổi. - Độ tuổi TS vào lớp 6: Từ 11 đến 13 tuổi (có ngày sinh trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-1997 đến 31-12-1999). * Các trường hợp được vào cấp học ở độ tuổi cao hơn so với quy định: + Được cao hơn 1 tuổi đối với HS nữ, HS từ nước ngoài về nước. + Được cao hơn 2 tuổi đối với HS người dân tộc thiểu số; HS ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn; HS khuyết tật, kém phát triển về thể lực và trí tuệ; HS mồ côi không nơi nương tựa; HS trong diện hộ đói nghèo. * Trường hợp được vào lớp 6 trước 1 tuổi: HS đã được học vượt lớp ở cấp tiểu học, có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ, được giám đốc Sở GD-ĐT cho phép. |