Điều chỉnh... tập đoàn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:02, 30/06/2010
Ngày 22-6, những người đứng đầu Tập đoàn Vinashin đã ký nghị quyết về việc tái cơ cấu tập đoàn, bổ làm ba, một phần giữ lại là Vinashin, một phần về Tập đoàn Dầu khí và phần còn lại nhập về Tổng Công ty Hàng hải.
Vốn một thời nổi danh qua quá trình phát triển nóng với hàng loạt hợp đồng đóng tàu được ký kết cùng đối tác nước ngoài, Vinashin đã được xếp vào hàng "đại gia" trong lĩnh vực đóng tàu. Thế nhưng đằng sau những vinh quang đó là những khoản nợ khổng lồ (theo báo cáo tài chính là trên 70.700 tỷ đồng, chiếm 91,45% tổng tài sản tập đoàn). Đã có người ví von đây là tập đoàn 2N: nóng và nợ.
Nhưng ở đây cũng không bàn riêng về Vinashin mà với cả các tập đoàn kinh tế. Trên thực tế, các tập đoàn đang sử dụng một nguồn vốn rất lớn của Nhà nước, đa số hoạt động trong những lĩnh vực gần như độc quyền, thường xuyên được bảo lãnh vốn, vay ưu đãi, đồng thời
cũng đang giữ quyền sử dụng một lượng tài sản khá lớn, gồm cả đất đai và khoáng sản. Nhiều người tị nạnh rằng, trong lúc các doanh nghiệp bình thường phải tất bật ngược xuôi tìm mặt bằng thì 88 tập đoàn, tổng công ty nắm giữ trên 370 nghìn hécta đất, được thuê, giao rất ưu đãi, thế nhưng lại tạo ra phần thành tích (góp cho GDP, thuế, công ăn việc làm, sản lượng…) rất khiêm tốn. Đáng chú ý, thời gian qua đã có nhiều cảnh báo về việc sử dụng vốn dàn trải tại các tập đoàn, thậm chí có tập đoàn bỏ "sân nhà" để đi "đá" chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm… mà không sinh lời được bao nhiêu, đó là chưa kể có nhiều trường hợp thua lỗ, thất thoát.
Rõ ràng, việc điều chỉnh lại Tập đoàn Vinashin để có cơ cấu phù hợp, đưa "con tàu" khổng lồ này đi đúng hướng là điều cấp thiết phải làm. Song từ đây cũng cần rút được bài học đắt giá về phương thức tổ chức và quản lý mô hình kinh tế này. Điều quan trọng đầu tiên cần làm là xác định rõ tư cách pháp nhân của tập đoàn vì thực tế hiện nay đang bộc lộ sự chồng chéo trong quản lý. Các tập đoàn vốn có lượng đầu tư lớn, số đơn vị thành viên đông và với các vấn đề của một tập đoàn, thậm chí một lãnh đạo của chính tập đoàn cũng khó có thể nắm hết.
Ngoài ra, theo tinh thần cam kết gia nhập WTO, tập đoàn kinh tế với các doanh nghiệp do sở hữu nhà nước nắm quyền kiểm soát sẽ không được hưởng đặc quyền mà phải hoạt động theo tiêu chí thương mại để bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng. Vì thế mà cần xây dựng khung pháp lý riêng cho tập đoàn kinh tế, tạo hành lang để các tập đoàn này hoạt động và phát triển.
Cuối cùng, cũng cần điều chỉnh cách nghĩ cũ rằng, mang danh tập đoàn thì phải đa ngành. Bởi khi bành trướng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, việc quản lý của tập đoàn bị phân tán, dễ mất phương hướng.
Điều chỉnh cho phù hợp là việc làm tất yếu trong quá trình vận động phát triển. Đối với các tập đoàn kinh tế cũng không ngoại lệ.