Thái Bình Dương dậy sóng

Thế giới - Ngày đăng : 05:16, 30/06/2010

(HNM) - Cùng những bộn bề lo toan về gánh nặng nợ công đang ám ảnh nền kinh tế thế giới cũng như một loạt chương trình từ Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vừa khép lại tại Canada đang đòi hỏi các quốc gia thực thi, cuộc tập trận hải quân quốc tế do Mỹ cầm đầu ở Thái Bình Dương và cuộc tập trận của quân đội Nga tại Viễn Đông đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chiến hạm chuyên săn tàu ngầm Marshal Shaposhnikov của Hải quân Nga tham gia tập trận “Phương Đông 2010” tại Thái Bình Dương.


Mở màn từ ngày 23-6 vừa qua, cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới ở vùng biển ngoài khơi đảo Hawaii, Thái Bình Dương - kể từ khi tiến hành năm 1971 đến nay - diễn ra hai năm một lần dưới sự chỉ huy của Mỹ. Với tên gọi "Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC)", hơn 150 máy bay, 34 chiến hạm, 5 tàu ngầm cùng 20.000 quân từ 13 quốc gia đã được huy động vào cuộc tập trận dự kiến kéo dài 6 tuần này. Các hoạt động diễn tập bắn đạn pháo và tên lửa, chống chiến tranh trên biển, chống chiến tranh dưới mặt nước… đã được tung ra. Song, điểm khác biệt so với những lần phô diễn trước đây của RIMPAC là sự góp mặt lần đầu tiên của Colombia, Pháp, Malaysia và Thái Lan cùng với các quan sát viên Brazil, Ấn Độ và New Zealand.

Không thể ngồi yên dõi theo những màn trình diễn được ví như "trò chơi chiến tranh" của RIMPAC, cuộc tập trận tác chiến - chiến lược quy mô lớn nhất của các lực lượng vũ trang LB Nga cũng vừa khai cuộc trong 24 giờ qua và kéo dài đến ngày 8-7 tại Viễn Đông trên biển Nhật Bản - thuộc Thái Bình Dương - mang tên "Phương Đông - 2010". Một lần nữa thế giới được thấy sức mạnh của quân đội Nga qua cuộc tập trận được xem là "toàn diện" này. Dưới sự chỉ huy của Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang, Đại tướng Nikolai Makarov, cuộc tập trận "Phương Đông - 2010" có sự góp mặt các đơn vị quân đội Nga đang đồn trú tại Sibir và Viễn Đông, các tàu chiến của ba hạm đội Thái Bình Dương, Biển Bắc và Biển Đen cùng hàng nghìn binh sĩ, 70 máy bay, 30 tàu chiến, 2.500 đơn vị vũ khí và phương tiện kỹ thuật các loại...

Như một sự trùng lặp ngẫu nhiên, cuộc biểu dương lực lượng của Hải quân Mỹ và đồng minh cùng sức mạnh của quân đội Nga diễn ra trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước nhiều thách thức. Trong đó nổi lên là an ninh hàng hải, cướp biển, buôn lậu vũ khí, ma túy, thảm họa thiên tai và nhiều vấn đề khác cần có sự hợp tác ở tầm quốc tế. Nếu như cơn bão khủng hoảng kinh tế vừa qua, thế giới đã chứng kiến cuộc hợp lực toàn cầu chưa từng có nhằm đối phó với những hệ lụy tài chính, thì nay RIMPAC lại cho thấy một hình thức hợp tác mới của hải quân các nước trong thời bình.

Với sự góp mặt của 13 quốc gia, RIMPAC không chỉ thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của các nước liên quan nhằm bảo đảm an ninh ở vành đai Thái Bình Dương, góp phần bảo vệ các đường hàng hải, lợi ích các quốc gia cùng sự đi lại tự do trên các vùng biển... mà còn nhắm đến mục tiêu quan trọng hơn là chung sức đối phó với khủng hoảng. Theo một chỉ huy RIMPAC, Đại úy Hải quân Mỹ Paul McKeon: "Cuộc tập trận sẽ cho phép những nước tham gia nhanh chóng trở thành một phần trong một tổ chức đa quốc gia khi một cuộc khủng hoảng toàn cầu xảy ra, cho dù đó là cuộc khủng hoảng do con người hay thiên nhiên gây ra". Trong khi đó, cuộc tập trận "Phương Đông - 2010" của Nga lại tập trung vào việc khắc phục hậu quả thảm họa hoặc tình trạng khẩn cấp, chống săn bắt hải sản trái phép, chống cướp biển... Tất cả nhằm mục tiêu tăng cường an ninh hàng hải quốc tế tại vùng Viễn Đông.

Thái Bình Dương đang dậy sóng khi lần đầu tiên chứng kiến hai cuộc tập trận quy mô lớn diễn ra gần như đồng thời của quân đội Nga và Mỹ. Rõ ràng, cùng với kết thúc của chiến tranh lạnh cũng như tình trạng đối đầu giữa hai lực lượng hải quân lớn nhất trên thế giới này không còn, môi trường an ninh biển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dường như đang được các cường quốc biển đặc biệt quan tâm. Việc đẩy mạnh hợp tác của các quốc gia khiến tình hình an ninh trên các đại dương nói chung và Thái Bình Dương nói riêng dần trở nên an toàn hơn. Và cuộc phô diễn sức mạnh trên biển như đang diễn ra của Nga và Mỹ cho thấy, an ninh hàng hải cũng như giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định ở Thái Bình Dương vẫn là một thách thức hàng đầu của các quốc gia có đường biển và bờ biển liên quan đến đại dương này.

Đình Hiệp