Mô hình mới, thách thức cũ
Kinh tế - Ngày đăng : 07:26, 29/06/2010
Cầu Cần Thơ, một trong những cây cầu đẹp tại Đông Nam Á. |
Bước chuyển về "chất"
Mới đây, Bộ GTVT đã có tờ trình xin phép Chính phủ cho thành lập Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Cuu Long CIPM). Đây là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước do Bộ GTVT làm chủ sở hữu, thực hiện đầu tư, quản lý dự án và khai thác hạ tầng giao thông tại các tỉnh phía Nam. DN này được thành lập trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Ban Quản lý (BQL) dự án Mỹ Thuận và sáp nhập một số DN khác của Bộ GTVT, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với số vốn điều lệ khoảng 833,5 tỷ đồng từ tài sản hiện có của các đơn vị sáp nhập cũng như giá trị thu phí cầu Cần Thơ. Cuu Long CIPM sẽ thành lập thêm một số đơn vị thành viên để thực hiện đầu tư đường cao tốc tại Nam Trung bộ, Nam bộ theo hình thức hợp tác nhà nước - tư nhân (PPP), kinh doanh bất động sản, quảng cáo…
Việc thành lập DN rõ ràng là bước "chuyển mình" về "chất" trong đầu tư xây dựng giao thông. Nếu như trước đây, BQL dự án Mỹ Thuận chỉ là đại diện chủ đầu tư, thay mặt Nhà nước quản lý thực hiện dự án và hưởng phí quản lý để hoạt động, thì Cuu Long CIPM sẽ có vai trò chủ đầu tư, tự tìm nguồn vốn, đầu tư xây dựng và thu lợi trên chính dự án đầu tư. Mô hình này có phần giống Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)...
Những thách thức cũ
Có thể nói, việc thành lập các DN nói trên là hướng đi đúng để thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống đường cao tốc trong tương lai. Nếu như các BQL dự án chỉ là người làm thuê, không đủ tư cách pháp nhân đứng ra vay vốn đầu tư xây dựng, thì các DN hoàn toàn có thể làm được điều đó. Đây là điều đặc biệt quan trọng để vay vốn bằng các nguồn khác, hợp tác xây dựng thay vì sử dụng "bầu sữa" ngân sách nhà nước hoặc vốn vay ưu đãi ODA ngày càng hạn hẹp. Sự ra đời và hoạt động của VEC trong hơn 5 năm qua đã phần nào chứng minh cho hướng đi mới, đúng đắn trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Tổng giám đốc một BQL dự án lớn thuộc Bộ GTVT thẳng thắn thừa nhận, thành lập DN đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt với hệ thống đường cao tốc trong tương lai là cần thiết để có thể chủ động, linh hoạt thực hiện dự án.
Là DN, chủ đầu tư, có cơ chế quản lý vận hành hoàn toàn khác so với các BQL dự án, nhưng cũng khó tránh được những thách thức mà các BQL dự án đang gặp phải. Khi thành lập, VEC được kỳ vọng giữ vai trò chủ đạo trong hình thành mạng đường cao tốc Việt Nam với triết lý kinh doanh "lấy cao tốc nuôi cao tốc". Đến nay, hàng loạt dự án lớn đã được VEC triển khai thực hiện, nhưng ngay ở dự án đầu tay là đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã gặp không ít khó khăn và… chậm tiến độ. Nguyên nhân vẫn nằm ở khâu giải phóng mặt bằng và trượt giá. Chậm tiến độ cũng đồng nghĩa với việc tăng chi phí đầu tư, quản lý. Không những thế, công tác tổ chức thu phí cũng chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lực DN. Mới đây, VEC đã phải kiến nghị và được Bộ GTVT đồng ý cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình để có cơ sở triển khai tiếp theo.
So với VEC, DN "mở đường" trong thu hút vốn, đầu tư dự án giao thông, thì Cuu Long CIPM rõ ràng có lợi thế hơn. Cái hơn đầu tiên, quan trọng là bài học kinh nghiệm từ VEC. Ngoài ra, xuất phát điểm của Cuu Long CIPM cũng thuận lợi hơn với tiền thân là một BQL đã từng thực hiện nhiều dự án lớn, có tiềm lực ban đầu tương đối tốt. Tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ trước những thách thức cũ…