Phải dẹp loạn còi xe

Đời sống - Ngày đăng : 07:20, 29/06/2010

(HNM) - Khu vực nội thành Hà Nội do lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đứng chốt dày đặc nên giới tài xế xe tải ít dám sử dụng còi hơi khi đụng mặt. Nhưng ở những đoạn vắng lực lượng này, hành vi bấm còi liên tục để giành đường vẫn xảy ra và từ một công cụ có chức năng bảo đảm an toàn giao thông, những chiếc còi xe với âm thanh

Hầu hết các xe ô tô có trọng tải lớn đều lắp còi hơi có tiếng kêu rất to. Ảnh: Lê Tuấn


Những tiếng còi sát nhân!

Trên đường Kim Mã, Trường Chinh, Láng Hạ, Nguyễn Thái Học, Phạm Văn Đồng, Khuất Duy Tiến, Phan Trọng Tuệ, người dân thường xuyên phải chịu đựng những tiếng còi vô ý thức như vậy. Có cảm giác rất nhiều lái xe buýt, lái xe tải bất chấp quy định về còi xe, bất chấp khả năng chịu đựng của người nghe. Họ sử dụng còi lớn, nhiều khi bấm liên tục, không nhả tay còi trên cả đoạn đường dài với mục đích vượt người tham gia giao thông thật nhanh. Điều đáng nói là các còi đều gắn ngang tầm với chiều cao của người đi xe máy, do đó khi tài xế nhấn còi báo hiệu, đã dội vào tai người tham gia giao thông cùng chiều. Chuyện người đi đường giật mình, loạng choạng, lạc tay lái không phải ít.

Tại TP Hồ Chí Minh, một vụ tai nạn giao thông đau lòng vừa xảy ra gây phẫn nộ trong dư luận cũng vì chiếc còi hơi. Hôm ấy là ngày 14-6, trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), chị Lê Thị Loan chạy xe Attila chở con gái Đinh Phương Vy (2 tuổi) phía trước xe. Cùng lúc, tài xế Nguyễn Văn Tuân điều khiển chiếc xe bồn chạy phía sau rồi bóp còi để vượt lên. Tiếng còi xe quá lớn và bất ngờ khiến cháu Vy giật mình ngã. Thấy vậy, chị Loan một tay giữ con, một tay bóp thắng. Do thắng gấp nên xe chị Loan ngã xuống đường, còn cháu Vy văng ra ngoài và hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.

Trước đó, ngày 18-5, trên quốc lộ 1A, đoạn đi qua thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), tài xế xe tải bóp còi báo hiệu để vượt qua xe máy do chị Bích Ngọc, công nhân Công ty Sanyo điều khiển. Tuy nhiên, xe tải quá gần, tiếng còi hơi chát chúa khiến chị Ngọc giật mình té ngã và tử vong.

Luật còn nương nhẹ
Theo quy định, ngành đăng kiểm khi kiểm định ô tô có âm lượng còi hơi không được thấp hơn 90 dexibel để người đi đường nghe được và không được cao hơn 115 dexibel để không gây tiếng ồn lớn. Ô tô không được sử dụng còi hơi trong TP vì dễ xảy ra nguy cơ làm người đi đường giật mình, hoảng loạn dẫn đến tai nạn giao thông.

Mặc dù vậy, cái khó trong phát hiện và xử phạt những lái xe sử dụng còi hơi là nhìn thấy CSGT họ không bấm, hơn nữa mức phạt nhẹ (không quá 500 nghìn đồng) nên chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, để xử loại tội phạm này cũng không dễ. Liên quan đến vụ tai nạn sáng 14-6 tại đường Kha Vạn Cân, cơ quan điều tra Công an quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết đang cho giám định đối với xe tải BKS 57L-0967 để xem xét xe này sử dụng còi hơi hay còi điện, tiếng còi do xe phát ra có vượt quá âm lượng cho phép hay không. Từ đây cơ quan CSĐT mới xem xét có xử hình sự hay không đối với tài xế của xe. Còn luật sư Nam thì khẳng định, trong trường hợp này cần phải xem xét cả việc trên đoạn đường đó luật quy định được bấm còi không vì hiện nay có những đoạn đường được phép bấm còi vào những giờ nhất định. Trường hợp tài xế xe bồn đã bóp còi tức đã phát hiện phương tiện khác phía trước mà không kiểm soát tốc độ để cán qua người cháu bé là hành vi vi phạm giao thông quá rõ. Nếu cơ quan chức năng chứng minh được việc vi phạm trong sử dụng còi của xe bồn thì tài xế bị xem xét trách nhiệm cả hai việc (sử dụng còi sai và không kiểm soát được cự ly, tốc độ).

Luật gia Nguyễn Hữu Thế còn cho rằng, hiện nay pháp luật không khuyến khích sử dụng còi hơi nhưng tiếng còi hơi ảnh hưởng sức khỏe như thế nào thì lại chưa quy định rõ ràng, nên khi có tai nạn xảy ra, khó có phương án đền bù thỏa đáng. Mặt khác, để chứng minh tiếng còi là nguyên nhân chính gây nên hậu quả nghiêm trọng là không đơn giản. Trong khi luật còn kẽ hở khiến không ít bác tài vẫn vô tư bấm còi inh ỏi thì nếu để ý quan sát sẽ thấy trên đường phố còn rất nhiều em bé ngồi sau xe máy không đai, không vịn, thậm chí sáng ra đi học còn ngủ gật, như vậy là rất nguy hiểm. Với điều kiện giao thông của ta hiện nay, di chuyển trên đường phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, tốt nhất các bậc cha mẹ cần chủ động nói không với các hiện tượng nêu trên, đừng để "mất bò mới lo làm chuồng".

Hà Phong