Khó chia “Quỹ giải pháp” của EU
Thế giới - Ngày đăng : 07:30, 28/06/2010
Các ngân hàng châu Âu sắp bị đánh thuế. |
Dự kiến, Pháp, Anh, Đức sẽ công bố chi tiết về khoản thuế ngân hàng vào đầu mùa thu tới. Các nhà lãnh đạo nền kinh tế đầu tàu của châu Âu hy vọng việc đánh thuế sẽ được áp dụng rộng rãi trên khắp châu Âu vào năm 2011. Ủy viên Hội đồng châu Âu phụ trách cải tổ ngành tài chính Michel Barnier cho biết, mạng lưới quỹ này cần thiết vì không thể bắt người đóng thuế chi trả cho sai lầm của các ngân hàng. Do đó, mỗi quốc gia sẽ tự đánh thuế ngân hàng rồi lập ra các quỹ giải pháp. Các quỹ này hình thành một mạng lưới quỹ của toàn khối EU, để xử lý các ngân hàng khi vừa chớm nguy cơ phá sản, chứ không chờ đến khi phá sản. Nếu được triển khai, việc đánh thuế ngân hàng sẽ thu về cho các nền kinh tế châu Âu một khoản tiền không nhỏ. Chỉ tính riêng Đức và Anh, con số thu được đã là hơn 3.000 tỷ USD. Do đó, quy mô của "quỹ giải pháp" chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với Quỹ chống khủng hoảng trị giá gần 1.000 tỷ USD mà EU vừa thành lập.
Ba cường quốc châu Âu cũng đã kêu gọi thực thi các biện pháp đánh thuế ngân hàng trên toàn thế giới ở Hội nghị nhóm các nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi G-20 vừa tổ chức tại Toronto (Canada), tuy nhiên, xem ra triển vọng đạt được sự đồng thuận của các quốc gia rất ít. Trong số những nước phản đối mạnh mẽ đề xuất này có Nhật Bản, Canada, Brazil, Australia vì cho rằng ngân hàng ở những nước này không phải là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua và họ "không việc gì phải trả cho những thứ họ không gây ra". Mỹ - một đồng minh quan trọng của EU - dù ủng hộ ý tưởng của cựu lục địa nhưng lại muốn nguồn quỹ từ việc đánh thuế trên sẽ được chi trả trở lại cho phần ngân sách đã được trích ra để cứu giúp các "đại gia" tài chính.
Trong khi EU lại muốn dùng quỹ trên cho dự phòng tương lai và để giải cứu các ngân hàng, công ty tài chính nếu một cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra. Ngay tại châu Âu, tuy hầu hết các nước đồng tình triển khai kế hoạch trên, nhưng vẫn còn những ý kiến lo ngại nó sẽ trở thành một thứ "thuế liên bang", vốn là điều xem ra không dễ thỏa hiệp trong EU vì các nước thành viên luôn bảo vệ quyết liệt quyền quyết định các loại thuế của mỗi nước. Thậm chí, Hiệp hội Ngân hàng Pháp, đại diện cho khoảng 400 ngân hàng lớn ở nước này, còn cho rằng các khoản thuế mới "chẳng phải là tin tốt cho nền kinh tế" bởi nó sẽ tạo ra gánh nặng cho các doanh nghiệp muốn vay tiền. Còn lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Anh thì phân vân việc thành lập mạng lưới "quỹ giải pháp" sẽ gây tranh cãi vì ngân hàng của nước này phải chi trả cho vấn đề của ngân hàng nước khác.