Xem và tìm về lịch sử

Văn hóa - Ngày đăng : 07:19, 28/06/2010

(HNM) - Một trong những tiết mục của Nhà hát Cải lương Hà Nội chào đón 1000 năm Thăng Long - Hà Nội - vở

Một cảnh trong vở cải lương “Luận anh hùng”.


Khúc biến tấu về "anh hùng"
Sau hơn 1 tháng dàn dựng, "Luận anh hùng" đã ra mắt khán giả khá hoàn thiện. Có thể thấy nỗ lực của cả ekip thực hiện chương trình đã dày công sáng tạo từ kịch bản gốc của tác giả Lê Chí Trung. NSƯT Trần Quang Hùng vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên đảm nhận vai chính Trần Thủ Độ nên anh dường như đã làm việc cật lực trong suốt thời gian qua. Ít thấy "lỗi" cả về mặt võ thuật, múa, âm thanh, ánh sáng... Phần thiết kế mỹ thuật khá tinh tế và nhẹ nhàng với màn phông thả chữ lạ. Đặc biệt là giọng hát của dàn diễn viên rất "ngọt", đúng chất cải lương tuy hơi ít trường đoạn. Theo kịch bản gốc, màn diễn "trò" để vua Trần Thái Tông hiểu rõ ý quyết tâm đánh giặc của Trần Thủ Độ là do diễn viên đóng. Nhưng đạo diễn đã thay thế bằng màn múa rối cạn trên nền hát kịch cải lương tạo nhiều bất ngờ cho khán giả. Hay sắp đặt một dòng sông, một hương án nổi lên phía trước sân khấu rất gần khán giả…

Khác với suy nghĩ của mọi người rằng xem hát cải lương là nước mắt, là bi lụy, "Luận anh hùng" không lấy nước mắt của khán giả, đôi khi còn có chi tiết khiến mọi người phải bật cười. Như đoạn nhân vật Trần Thị Bòng và tay lính tam "tán tỉnh" nhau giúp vợi những nặng nề của đề tài lịch sử. Vở diễn "đẩy" khán giả lên cao trào cảm xúc, tâm trạng và suy nghiệm về thời cuộc. Đó là dấu ấn lớn NSƯT Trần Quang Hùng. Anh bảo đã hiểu, suy nghĩ, "say sưa" với nhân vật nên biết rõ phải thể hiện tâm trạng của nhân vật Trần Thủ Độ nhập vai dễ và nhanh hơn. Giọng nói uy nghi, hào sảng, lối diễn đầy nội tâm và đặc biệt là giọng ca dày dặn kỹ thuật tạo nên nhân vật Thái sư ấn tượng, thành công.

Muốn tìm hiểu lịch sử
Trò chuyện sau buổi diễn, NSƯT Trần Quang Hùng tâm sự rằng, anh muốn thực hiện vở này để sao cho bất cứ khán giả nào xem xong cũng muốn tìm đọc về lịch sử, về nhân vật Trần Thủ Độ. Như thế đã không ít người Việt hiểu thêm về lịch sử của dân tộc. Đúng vậy, Trần Thủ Độ trong vở cải lương này khác hẳn trên phim ảnh hay các tác phẩm sân khấu trước đây. Một cách "luận" của những người nghệ sĩ cải lương đầy đặn về cuộc đời Thái sư với tình cảm sâu sắc, con người chất chứa nhiều tâm tư.

Sau những môn nghệ thuật "sở trường" của miền Bắc như chèo, kịch… dựng về những vị anh hùng có công với đất Thăng Long dễ bị "trôi" do diễn theo lối cũ thì "món lạ" cải lương đậm phong vị Hà Nội này đem lại nhiều thích thú cho người xem. Khán giả Thủ đô thấy dễ nghe (giọng Bắc), dễ hiểu (lối diễn đạt của người ngoài này) và được thưởng thức những màn ca cải lương "bám" được làn điệu cơ bản, ngọt ngào sắc độ tình cảm.

NSƯT Trần Quang Hùng cho biết, "Luận anh hùng" sẽ là tiết mục chính cùng với vở "Kẻ sĩ Thăng Long" của Nhà hát Cải lương Hà Nội biểu diễn trong chương trình văn hóa nghệ thuật của 10 ngày Đại lễ. Tuy nhiên, trước mắt, ekip sẽ quảng bá tác phẩm bằng cách tổ chức công diễn ở nhiều địa điểm ở Hà Nội. "Vừa để mọi người được thưởng thức và biết đến một nhân vật lịch sử có công lớn cho xã tắc, sơn hà, vừa là để anh em thỏa lòng mong mỏi được diễn".

Yên Nga