Điểm nhấn trên đà phát triển

Thể thao - Ngày đăng : 07:14, 28/06/2010

(HNM) -

Tổ chức tốt Giải Điền kinh trẻ châu Á sẽ giúp Việt Nam tạo thêm uy tín trên trường quốc tế.


Khẳng định khả năng tổ chức các giải lớn

Ông Tuấn vào đề: "Trước đây, tôi vẫn thấy giới truyền thông hay phê bình ngành thể thao còn chưa đầu tư xứng tầm cho 2 môn thể thao Olympic cơ bản là bơi lội và điền kinh. Nay, với việc Việt Nam được đăng cai Giải vô địch Điền kinh trẻ châu Á, tôi tin đây sẽ là điểm nhấn quan trọng để chúng ta khẳng định khả năng tổ chức, điều hành các giải đấu tầm cỡ châu lục. Mặt khác, đây cũng chính là dịp để các VĐV của ta được thi đấu cọ xát đỉnh cao với các VĐV hàng đầu ngay trên sân nhà - một cơ hội rất hiếm, quý để chúng ta học hỏi và nâng cao trình độ".

Giải vô địch Điền kinh trẻ châu Á là giải thi đấu chính thức nằm trong hệ thống của LĐ Điền kinh thế giới (IAAF) và Hiệp hội Điền kinh châu Á (AAA), dành riêng cho các VĐV từ 18 đến 19 tuổi. Năm 2010 là kỳ giải lần thứ 14, nhưng là lần đầu tiên giải diễn ra tại Việt Nam. Giải có sự góp mặt của gần 650 quan chức, HLV, VĐV thuộc 37 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á, tranh tài ở 44 nội dung (nam 22 nội dung, nữ 22 nội dung) - đông nhất từ trước đến nay.

"Đây là một giải đấu có quy mô rất lớn. Các cuộc đấu sẽ rất quyết liệt, bởi ngoài việc tranh danh hiệu, các VĐV còn hướng tới mục tiêu phá kỷ lục và xác lập kỷ lục mới. Việt Nam vinh dự giành quyền đăng cai giải này vì chúng ta đã từng đăng cai tốt Giải vô địch Trẻ Đông Nam Á, Giải Điền kinh Grand Prix châu Á, được IAAF và AAA đánh giá cao" - Vụ phó Vụ Thể thao Thành tích cao - Tổng cục TDTT Hoàng Mạnh Cường, TTK LĐ Điền kinh Việt Nam cho biết. Để bảo đảm tổ chức giải đấu, BTC đã nhận được sự phối hợp và giúp đỡ của các đơn vị chức năng như Khu liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm HLTTQG Hà Nội; các bộ, ban, ngành có liên quan như Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Cảng vụ sân bay Nội Bài, Bộ Công an, an ninh cửa khẩu, Đại sứ quán các quốc gia châu Á... nhằm chuẩn bị tốt nhất các vấn đề về chuyên môn, cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị an ninh, y tế, kiểm tra doping...

4,5 tỷ đồng và sự vào cuộc của các Mạnh Thường Quân
Thông tin từ BTC cho biết chi phí cơ bản để tổ chức giải này ước tính là 4,5 tỷ đồng. Trong đó, LĐĐK châu Á hỗ trợ 1 tỷ đồng, Tổng cục TDTT 1 tỷ đồng. Còn lại, LĐ Điền kinh Việt Nam phải huy động các nguồn lực trong xã hội theo đúng chủ trương xã hội hóa TDTT nhằm tìm kiếm 2,5 tỷ đồng. Với uy tín của giải đấu, khá nhiều Mạnh Thường Quân đã vào cuộc, bao gồm Tập đoàn Ô tô Trường Hải, Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty Bia, rượu và nước giải khát Sài Gòn, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty Nước khoáng Miru, Công ty VPP Hồng Hà...

Khác với các giải Grand Prix mang tính chất thi đấu lấy thưởng, VĐV dự giải này nhằm tranh danh hiệu và thành tích ở giải sẽ được LĐ Điền kinh thế giới công nhận chính thức. Vì vậy, việc chuẩn bị hệ thống máy móc điện tử trong xác định thành tích được đặc biệt chú trọng. Ví như với các nội dung nhảy (nhảy cao, nhảy xa...) và chạy ngắn (100m, 200m, 400m...), BTC sẽ sử dụng đồng hồ đo gió (tốc độ gió < 2m/s mới được công nhận kỷ lục). IAAF sẽ kiểm tra dụng cụ đo đếm kết quả thi đấu, niêm phong và chỉ dùng cho ngày thi đấu nhằm xác định chính xác các kỷ lục. Ngoài ra, gần 40 mẫu thử doping sẽ được lấy và kiểm tra ngẫu nhiên, bảo đảm sự trung thực và chính xác trong việc tính thành tích của VĐV.

Giải sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 4-7 tại SVĐ quốc gia Mỹ Đình.

Mai Hoa