Trăm năm và nghìn năm
Văn hóa - Ngày đăng : 07:06, 28/06/2010
Mới thấy, gần đây, gia đình nhà văn Nguyễn Tuân bỏ tiền in lại "Vang bóng một thời" (NXB Hội Nhà văn - 2010). Có 1.000 cuốn thôi, nhưng điều đáng nói là chúng được in trên giấy dó, kỳ công đến lạ, cũng hệt như khi gia đình nhà văn công bố tác phẩm nhạc kịch "Cỏ độc lập" của Nguyễn Tuân vào năm 2007. Trong lời đầu sách, có vài dòng: "... Cuốn sách này được tái bản nguyên văn từ bản in năm 1945 của Nhà xuất bản Đắc Lộ Thư xã, có in bút tích của nhà văn Nguyễn Tuân (Ất Dậu 1945 - rét - đói - loạn). Bản này có giá trị tương đương văn bản gốc". Chừng đó thôi đã cho thấy sự khác biệt của cuốn sách này và cả sự trân trọng mà gia đình nhà văn dành cho tác phẩm, cho di sản văn học Việt Nam nói chung.
2. Đầu tháng 7 này, có thể là tại Nhà hát Lớn - Hà Nội, người ta sẽ tổ chức một buổi lễ nhớ về Nguyễn Tuân - một trong nhiều văn sĩ Hà Nội góp phần tạo nên niềm tự hào riêng có của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Đó là một chuyện đáng làm, dù chưa chắc đã đủ với Nguyễn Tuân. Bởi trong buổi ấy, có thể sẽ có câu hỏi được đặt ra, như thể cụ Nguyễn Tuân còn để lại cho hậu thế những gì hoặc giả là làm thế nào để đưa những gì còn sót lại của cụ, từ trong di cảo, những tác phẩm chưa được công bố... đến với bạn đọc?
Tư liệu của nhiều nhà văn hiện vẫn còn trong gia đình họ. Rất nhiều thứ quý. Biết vậy mà không dễ gom đủ điều kiện để đưa chúng đến với bạn đọc, chỉ có nỗ lực tự thân như đã thấy ở gia đình nhà văn Nguyễn Tuân, gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và bạn bè... là chưa đủ. Gom góp cả đời được vài trăm triệu, in cuốn sách cho người đã khuất là đã kiệt sức rồi...
Xã hội có thể giúp thêm gì đó hay không? Như với Nguyễn Tuân và di cảo của ông - một nhà văn lớn của Hà Nội, tròn trăm tuổi vào dịp Thủ đô tròn nghìn tuổi. Và với nhiều danh nhân Hà Nội khác nữa...
Chẳng đáng nghĩ lắm sao!