Lầu Năm Góc rơi vào thế khó

Thế giới - Ngày đăng : 07:02, 28/06/2010

(HNM) - Chuyện một quốc gia xuất khẩu vũ khí số 1 thế giới như Mỹ lại phải mua một số lượng lớn trực thăng của Nga để tái thiết lực lượng không quân Afghanistan quả là khó tin. Nhưng đó đúng là sự thật. Và vụ việc này đang chịu sự chỉ trích gay gắt của nhiều nghị sĩ trong Quốc hội xứ Cờ hoa.

Trực thăng Mi-17 của Nga.


Hiện tại, liên minh giữa Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Richard Shelby và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Christopher Dodd đã yêu cầu Lầu Năm Góc xem xét lại chương trình này. Hai ông cho rằng, Bộ Quốc phòng dùng tiền thuế mà người dân Mỹ nai lưng ra đóng để đi mua máy bay quân sự của Nga là hành động không phù hợp với lợi ích của nước Mỹ, hơn nữa, trong tình hình không có đối thủ cạnh tranh trên thị trường này thì nước Nga có thể sẽ tăng giá, ép Mỹ phải mua.

Đến thời điểm này, số tiền Lầu Năm Góc sử dụng để mua và sửa chữa 31 máy bay trực thăng Mi-17 của Nga đã lên tới 648 triệu USD. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa dừng lại vì theo kế hoạch, Mỹ sẽ mua thêm 10 chiếc vào năm tới với hy vọng, đến năm 2016, Mi-17 sẽ chiếm quá nửa số máy bay ở Afghanistan.

Với Lầu Năm Góc, việc mua máy bay của Nga là "vạn bất đắc dĩ". Số là, kể từ năm 2005 trở lại đây, Nhà Trắng bắt đầu giúp đỡ Chính phủ Afghanistan tái thiết quân đội. Khi đó, lực lượng không quân của Afghanistan chỉ có vài chiếc máy bay cũ kỹ đã bị hư hỏng nặng của Nga và một vài phi công được huấn luyện không có bài bản. Đến nay, hơn 450 quân nhân Mỹ đang ở Afghanistan tập huấn cho phi công nước sở tại nhưng tình hình tiến triển rất chậm. Rất nhiều trong số những người Afghanistan được tuyển làm phi công không biết chữ. Nếu lái máy bay của Mỹ, họ buộc phải học tiếng Anh. Thế nhưng hầu hết những phi công được huấn luyện đều đã ở độ "tứ tuần", nên yêu cầu họ bắt đầu học điều khiển trực thăng mới của Mỹ sẽ là cả một "cuộc chiến" và thời gian phải mất 2-5 năm để huấn luyện một phi hành đoàn hoàn chỉnh. Trong khi đó, chương trình huấn luyện không quân của Afghanistan chỉ có thể đẩy nhanh tốc độ nếu được trang bị Mi-17 vì hiện tại chỉ còn những phi công am hiểu tính năng của loại trực thăng này.

Ngoài ra, theo các quan chức Lầu Năm Góc, Mi-17 là loại máy bay đã được các chuyên gia Liên Xô (cũ) nghiên cứu chế tạo cho phù hợp với đặc điểm chiến trường tại Afghanistan trong thời kỳ đóng quân ở đây, nhất là phần thiết kế của động cơ và bộ phận chuyển hướng rất phù hợp với đặc điểm địa hình vùng núi và môi trường sa mạc. Nếu như Quốc hội Mỹ ép buộc thay thế Mi-17 bằng loại máy bay quân sự của Mỹ thì thời gian tái thiết lực lượng không quân của Afghanistan có thể phải kéo dài chí ít là hai năm nữa. Điều này có nghĩa là, sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan theo đúng kế hoạch vào năm 2011 thì không quân nước này vẫn không có khả năng độc lập thực hiện nhiệm vụ.

Đành rằng, Tổng thống Obama đã kêu gọi người tiêu dùng Mỹ sử dụng hàng hóa trong nước để cứu nguy nền kinh tế; nhưng trong trường hợp "quân cơ cấp bách" đặc thù như ở Afghanistan, mà các ông nghị Mỹ vẫn khăng khăng cái tinh thần "người Mỹ dùng hàng Mỹ" thì đúng là làm khó cho Lầu Năm Góc.

Quỳnh Chi