Để Hà Nội ngày càng đẹp hơn

Xã hội - Ngày đăng : 07:27, 27/06/2010

(HNM) - Đại lễ 1000 năm Thăng Long đang ngày càng đến gần. Những công trình xây dựng đang hoàn thành gấp rút, những chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc Kẻ Chợ quy mô, hoành tráng đang dần hoàn thiện... Là học sinh Thủ đô, một công dân của Hà Nội, em có sáng kiến nào dù nhỏ cho Hà Nội trong quá trình xây dựng, hoàn thiện này?

Em Nguyễn Lam Thanh, lớp 11 Trường Chu Văn An

- Nếu được đóng góp, em có ý kiến ngay cho một "vấn đề" rất thiết thực trong đời sống hằng ngày của người dân Thủ đô. "Vấn đề" này, nói nhỏ nhé, em cũng đã từng trải nghiệm và thấy khiếm khuyết vô cùng nếu để Hà Nội tiếp tục như vậy. Ấy là chuyện nhà vệ sinh công cộng. "Mỗi tuần..." biết không - em kể ra "Mỗi tuần..." đừng cười nhé - một lần, trên đường đi học thêm về, "sức chịu đựng" của em có vẻ như không thể hơn nữa và em muốn tìm một nhà vệ sinh công cộng bên đường thay vì phải về đến nhà. Vậy mà suốt chặng đường từ Trần Duy Hưng về đến Ông Ích Khiêm, em không thấy một cái nào để vào. Không biết, lúc đó có vì "sốt ruột" quá hay không mà mắt em tìm không ra, nhưng rõ ràng trên cả một đoạn đường dài như vậy, nhà vệ sinh rất hiếm, cực kỳ hiếm. Từ đó, em hiểu ra rằng, chẳng phải tự nhiên mà có chuyện một số người thản nhiên... ngoài đường, ngay cả chỗ người qua lại đông như mắc cửi. Nhà vệ sinh công cộng cũng là một phần thể hiện văn minh của một đất nước, vùng đất, đối với Thủ đô càng không thể thiếu. Bởi vậy, với câu chuyện nhỏ của mình, em mong muốn Hà Nội văn minh hơn, "tiện nghi" hơn với hàng loạt các nhà vệ sinh công cộng được xây dựng sạch sẽ, bố trí hợp lý trên các tuyến phố đông người qua lại...

Em Nguyễn Đức Minh, lớp 12 Trường Trần Phú

- Cứ mỗi lần đi qua những ngõ đông dân cư ở Hà Nội, em rất bức xúc với tình trạng chợ cóc, chợ tạm tiện đâu họp đấy. Rồi cả những bác xe ôm nữa, đỗ xe chờ khách bất kể chỗ nào miễn chỗ ấy không thuộc riêng ai. Những hình thức họp chợ này làm cản trở việc đi lại của người trong ngõ, làm ô nhiễm môi trường của người dân sống xung quanh, làm mất mỹ quan nơi công cộng. Khoảng đất mà họ họp chợ ấy có thể là chỗ vui chơi, giải trí cho người dân, trẻ em sống xung quanh... Không tin "Mỗi tuần..." đi thực tế tại bất kể ngõ nào đông dân ở Hà Nội xem. Em tin rằng "Mỗi tuần..." bức xúc chẳng kém gì em. Mặc dù, những chợ này đã được chính quyền một số địa phương "giải tán", nhưng cứ lúc trước có người đi "đuổi" chợ, thì lúc sau, họ vừa khuất bóng, chợ lại họp... như chẳng có gì xảy ra. Chợ "đuổi" mãi không được thế là thôi, phường lại mặc để cho chợ thích họp như thế nào thì họp, tan lúc nào thì tan. Người quản lý còn buông xuôi và chán như vậy, thì những người dân như em còn chán thế nào…

Em Trần Tuấn Anh, lớp 12 Trường Phạm Hồng Thái

- Em lại "dị ứng" nhất với tình trạng các bạn trẻ văng tục chửi bậy. Trong khi có câu: "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An", thực sự các bạn ấy làm "xấu mặt" người Tràng An - người Hà Nội. Đi qua các trường học vào giờ tan trường, chứng kiến nhiều bạn nói tục mà em thấy sợ. Nhưng vì sao các bạn nói bậy thì trước hết theo em các bạn phải nghe... người lớn nói đã rồi mới học theo chứ không phải tự nhiên... nghĩ ra. Bởi vậy, để không còn ngôn ngữ xúc phạm đến thể diện, hình ảnh của người Hà Nội, đến "lời ăn tiếng nói" được coi là chuẩn mực của Hà Nội, từ trong gia đình, đến nhà trường rồi ra xã hội, phải có sự giáo dục nghiêm khắc, gương mẫu của người lớn. Có như vậy mới mong gìn giữ văn hóa, nếp sống văn minh của người Hà Nội.

Nguyễn Xuân Bách