Nhiều khuất tất, lắm hệ lụy sau những lò gạch

Đời sống - Ngày đăng : 08:00, 26/06/2010

(HNM) - Hàng trăm nghìn mét khối đất nông nghiệp bị khai thác làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, biến cánh đồng lúa trở thành ao, hồ, không thể trồng trọt được... Đó là nội dung đơn của một số người dân xã Phú Phương, huyện Ba Vì gửi đến Báo Hànộimới.

Lấy đất làm gạch, biến đất nông nghiệp thành những ao, hồ, không thể trồng trọt.


Năm 2001, Hợp tác xã (HTX) Phú Phương được giao quản lý 101.572m2 đất tại khu vực đầm Phương Khê. Đây là đầm chứa nước phục vụ tưới cho 80ha cây hoa màu và 45ha lúa vụ xuân của một số địa phương, thuộc huyện Ba Vì. Do lòng đầm bị bồi lắng, không đủ điều kiện chứa nước cho sản xuất nông nghiệp, HTX Phú Phương đã có dự án cải tạo lòng đầm, kết hợp với sản xuất vật liệu xây dựng trình UBND huyện Ba Vì xem xét. Theo đó, lòng hồ sẽ được cải tạo, hạ độ sâu so với cốt nền bình quân là 1,2m, khối lượng đất nạo vét dự kiến khoảng 24.000m3, làm nguyên liệu cho hai lò nung đốt gạch, với công suất 50.000 viên/lò/lượt. Ngày 4-2-2002, UBND huyện Ba Vì đã phê duyệt dự án, cho HTX Phú Phương cải tạo đầm Phương Khê. Sau đó, ngày 27-2-2002, HTX Phú Phương đã hợp đồng với các ông Đỗ Đức Thuận và Nguyễn Văn Duẩn (là người địa phương) để sản xuất gạch nung trong thời hạn 5 năm, từ ngày 1-3-2002 đến ngày 1-3-2007.

Để cải tạo đất, ngày 2-12-2002, UBND xã Phú Phương cũng đã có tờ trình số 49,

đề nghị UBND huyện Ba Vì cho phép sản xuất gạch nung tại khu bãi nổi, rộng 10.000m2. Ngày 24-1-2003, UBND huyện Ba Vì có Thông báo số 04, chấp thuận cho UBND xã Phú Phương thực hiện dự án. Ngay sau khi được chấp thuận, UBND xã Phú Phương đã ký hợp đồng chuyển giao cho HTX sử dụng diện tích đất này để sản xuất gạch, với thời hạn thực hiện hợp đồng là 5 năm (từ 2003 đến 2008). Ngày 11-2-2003, HTX Phú Phương lại ký hợp đồng giao khoán với ông Vũ Mạnh Đức (một công dân của tỉnh Phú Thọ). Ông Đức đã xây lò để sản xuất vật liệu xây dựng. Thế nhưng, tại biên bản bàn giao mặt bằng ngày 16-2-2003, HTX Phú Phương lại giao cho ông Đức tới gần 32.000m2 đất, trong đó có 1.900m2 đất nằm trong đê và 30.000m2 đất phía ngoài đê, vượt so với dự án đã được phê duyệt hơn 20.000m2. Ông Nguyễn Văn Vượng, Chủ nhiệm HTX Phú Phương lý giải: "Số diện tích đất trên đều là đất nông nghiệp, do HTX quản lý, sử dụng nên có quyền cho thuê lại…"?

Theo phản ánh của người dân, thì khu vực bãi trồng lúa và màu hiện nhiều chỗ đã trở thành ao, các hố sâu hơn 3m, không thể trồng trọt được. Tại khu vực giáp với đập thủy lợi Tây Ninh, nơi điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp ở khu bãi nổi, các chủ lò còn khoét sâu tới 4m, khiến cho con đập mất hết tác dụng. Nghiêm trọng hơn, các lò gạch tại khu bãi nổi đã xả khói, bụi gây táp, cháy hết lúa, ngô ở xung quanh. Chỉ tính riêng năm 2009, đã có gần 30 hộ gia đình bị ảnh hưởng của khói lò gạch, nhưng các chủ lò chỉ đền bù có hơn 8 triệu đồng. Hơn nữa, trong quá trình sản xuất gạch tại khu vực đầm Phương Khê, các chủ lò còn tự ý thuê thêm hàng nghìn mét đất trồng lúa, trồng màu của người dân để làm nơi chứa gạch, xây lò. Người dân Phú Phương hết sức bức xúc và cho rằng, chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý, tiếp tay cho những vi phạm về đất đai, môi trường để hưởng lợi bất chính? Đã nhiều lần người dân kiến nghị với các cấp có thẩm quyền, song vẫn không nhận được hồi âm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Phương cho biết: Khu vực đất lòng đầm có diện tích khoảng 2ha, trước đây cho người dân đấu thầu thả cá, sau đó HTX đã thu hồi phần ao cho ông Duẩn thuê lại, đổ mặt bằng để sản xuất gạch nung. Còn việc ông Duẩn thuê thêm 1.000m2 đất trồng lúa của người dân các xóm 7, 9, 11 là sử dụng sai mục đích… Đối với việc thiệt hại hoa màu do sản xuất gạch gây ra, hằng năm, HTX Phú Phương đều lập biên bản, đền bù thiệt hại cho người dân. 

Những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai của chính quyền và HTX Phú Phương là rõ ràng, đề nghị UBND huyện Ba Vì nhanh chóng rà soát, kiểm tra để sớm có kết luận, giải quyết thỏa đáng những khúc mắc của người dân; xử lý nghiêm minh những sai phạm.

Bài ảnh: Nguyên Hà