Vượt lên bất đồng

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:58, 26/06/2010

(HNM) - Đó là ý nghĩa chuyến công du 3 ngày  xuyên Đại Tây Dương tới xứ Cờ hoa của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vừa kết thúc (ngày 24-6) trong bối cảnh Nga và Mỹ đều muốn mối quan hệ giữa hai cường quốc nồng ấm hơn.

Đây là lần gặp gỡ thứ bảy giữa hai nhà lãnh đạo, song là chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của ông D.Medvedev trên cương vị Tổng thống Nga. Chuyến công du của Tổng thống D.Medvedev diễn ra trong bối cảnh Nga và Mỹ đang tích cực điều chỉnh mối quan hệ song phương cho dù còn tồn tại không ít khúc mắc, nhất là kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa Patriot tại Ba Lan.

Trong hội đàm, ông chủ Nhà Trắng Barack Obama và người đứng đầu điện Kremlin D.Medvedev đã bàn thảo hàng loạt vấn đề từ chống phổ biến vũ khí hạt nhân đến quan hệ Nga - châu Âu cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu và nền hòa bình Trung Đông, bán đảo Triều Tiên… Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Mỹ cam kết mạnh mẽ ủng hộ Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và chỉ đạo các quan chức Mỹ hoàn tất những tiến trình liên quan. Đây là vấn đề mà người đứng đầu nước Nga đặt kỳ vọng và đã có trong chuyến công du nhằm mở ra một thời kỳ mới về quan hệ kinh tế Nga - Mỹ. Kim ngạch thương mại Mỹ - Nga trong bốn tháng đầu năm 2010 đạt 8,5 tỷ USD. Dễ dàng nhận thấy Nga là một nền kinh tế lớn nhất thế giới ngoài WTO. Nỗ lực gia nhập "câu lạc bộ" gồm 153 thành viên này của Nga đã không thành suốt 17 năm qua luôn là "nút thắt" khó gỡ trong quan hệ Nga - Mỹ. Vì lẽ đó, không ngạc nhiên khi Tổng thống D.Medvedev dành hẳn 2 ngày trong chuyến công du 3 ngày để dừng chân ở California thăm nhiều cơ sở nghiên cứu - sản xuất công nghệ cao tại đây. Sự kiện người đứng đầu một nước Nga đang thăng tiến về kinh tế thăm thung lũng Silicon - trái tim của ngành công nghệ cao Mỹ - thể hiện mong muốn quan hệ kinh tế Nga - Mỹ phải tương xứng với quyết tâm chính trị đang ngày càng rõ nét giữa Mátxcơva và Washington.

Quan hệ Nga - Mỹ đã bớt lạnh hơn dưới thời chính quyền Tổng thống B.Obama. Những cụm từ "băng giá", "nền hòa bình lạnh", "đối đầu"... đã là quá vãng kể từ khi ông B.Obama bước vào Nhà Trắng cách đây hơn một năm. Khoảng thời gian tuy ngắn, nhưng những nỗ lực "tái khởi động" quan hệ với Nga của Tổng thống Mỹ Obama đã mang lại bầu không khí mát dịu không chỉ cho mối quan hệ hai cường quốc mà còn góp phần đáng kể vào nền hòa bình trên thế giới. Sự kiện hai nước ký kết Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược (tháng 4); đồng thuận trong lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an LHQ với chương trình hạt nhân của Iran (tháng 6), phối hợp chống cướp biển trên vùng biển quốc tế... cho thấy, quan hệ hợp tác kinh tế là bước tất yếu lịch sử tiếp theo trong quan hệ Nga - Mỹ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay. Và điều này hiện rõ ngay cả trong cử chỉ ngoại giao "ăn trưa" của hai vị tổng thống tại Washington cũng như hợp đồng hàng không trị giá 4 tỷ USD mà người Mỹ có được trong chuyến thăm này...

Trên thực tế, gia nhập WTO hiện là ưu tiên hàng đầu của Nga và như người đứng đầu nước Mỹ khẳng định trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng là Nga đã đạt 95% trong quá trình đó. Do đó, việc Nga gia nhập WTO chỉ còn phụ thuộc vào quyết định từ các trung tâm chính trị mà thôi. Lợi ích lớn nhất từ việc gia nhập WTO với nền kinh tế Nga là Kremlin sẽ thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để cải thiện tính cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như trên trường quốc tế. Điều này sẽ tạo động lực cho nền kinh tế Nga từng bị giới hạn chủ yếu trong không gian châu Âu. Lời mời tế nhị của Tổng thống B.Obama về thương mại và đầu tư với Nga để nâng quan hệ giữa hai cường quốc lên tầm cao mới là một hoán đổi khôn ngoan. Nó giúp Washington sẽ không chỉ nhận được sự hậu thuẫn từ Kremlin trước các vấn đề khu vực nóng bỏng như cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan, mà còn cả những vấn đề hóc búa ở tầm quốc tế như: chương trình hạt nhân của Iran và nền hòa bình Trung Đông cũng như trên bán đảo Triều Tiên...

Thời điểm thích hợp để cả hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ cùng mở cánh cửa cuối cùng trên con đường Nga gia nhập WTO xem ra đã đến. Sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ B.Obama để nước Nga gia nhập nền kinh tế thế giới là một biểu hiện đáng chú ý trong cải thiện mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân. Vì lợi ích của cả hai bên, Nga và Mỹ luôn cần có nhau. Điều này sẽ không chỉ giúp hai nước tiếp tục vượt lên bất đồng mà còn mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ, góp phần vào sự ổn định an ninh trên toàn cầu.

Thùy Dương