Tiếp sức cho người nghèo

Chính trị - Ngày đăng : 06:55, 26/06/2010

(HNM) - Với 5 nội dung: Giúp người nghèo về tư liệu sản xuất, giúp người nghèo về nhà ở, giúp con em trong các hộ nghèo được đi học, giúp người nghèo đi viện và cứu đói người nghèo lúc giáp hạt, cuộc vận động (CVĐ) lập Quỹ Vì người nghèo (QVNN) do UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động từ năm 2000 đã được các tỉnh, TP trong cả nước hưởng ứng.

Nhân dân xứ đạo Cần Kiệm, huyện Thạch Thất xây dựng đường làng, ngõ xóm. Ảnh: Bá Hoạt


10 năm vận động vì người nghèo

Trong 10 năm Hà Nội triển khai CVĐ xây dựng QVNN, thì năm 2009 thu hút được nhiều đơn vị, cá nhân, tầng lớp nhân dân ủng hộ nhất. Quỹ 3 cấp, TP, quận, huyện và xã, phường thu được hơn 22,5 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UB MTTQ TP Đặng Việt Quân cho biết, nguồn quỹ đã được các cấp sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Trong đó, chương trình lớn nhất mà UB MTTQ TP, Ban vận động "Ngày vì người nghèo" và UBND TP phối hợp thực hiện là huy động các nguồn lực hỗ trợ xây, sửa nhà giúp cho 4.879 hộ nghèo được chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trong căn nhà khang trang, ấm tình đoàn kết. Một phần của quỹ cũng được dùng hỗ trợ học bổng cho 129 học sinh nghèo, hỗ trợ hơn 25.500 suất quà cho hộ nghèo, người tàn tật, hộ công giáo nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán...

Tại cơ sở, các hình thức hỗ trợ, tiếp sức cho người nghèo triển khai rất đa dạng.  Huyện Đông Anh hiện có 3.639 hộ nghèo và hộ thuộc diện cứu trợ xã hội. Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm, nguồn QVNN cấp huyện trên 5 tỷ đồng đã được sử dụng xây dựng nhà đại đoàn kết cho hơn 300 hộ nghèo. Huyện còn  hỗ trợ thóc giống, vật tư phân bón để phục vụ sản xuất cho hàng nghìn hộ. Tiêu biểu như vụ mùa năm nay, huyện đã hỗ trợ 35.800kg thóc giống và ngô giống cho 100% hộ nghèo, hộ thuộc diện cứu trợ xã hội. Ngoài ra, đã có hàng ngàn hộ nghèo được vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình. Chỉ riêng năm 2009, toàn huyện đã có 830 hộ thoát nghèo. Năm nay, huyện quyết tâm giảm số hộ nghèo xuống còn dưới 5% (theo tiêu chí mới).

Tại huyện Gia Lâm ngoài hỗ trợ vốn, giúp người nghèo vay nguồn vốn lãi suất thấp, huyện còn tổ chức sửa chữa và xây nhà đại đoàn kết cho hộ khó khăn về nhà ở. Năm 2009, huyện Gia Lâm giảm được 679 hộ nghèo. Năm 2010, huyện quyết định trích quỹ hỗ trợ vốn phát triển kinh tế cho 40 hộ (mỗi hộ 2 triệu đồng) và sửa chữa, xây mới nhà ở cho 88 hộ khác (trị giá mỗi nhà từ 15 đến 25 triệu đồng), phấn đấu hoàn thành trước ngày 10-10. Còn tại huyện Ba Vì, sau một năm thực hiện kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở và giảm nghèo (2009 - 2010), tỷ lệ hộ nghèo từ 19,6% (tháng 6-2009) giảm còn 14,96%, trong đó có 25/31 xã, thị trấn đạt và vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo. Ngoài ra, đã có 579 hộ nghèo được hỗ trợ xây, sửa nhà xuống cấp...

Để cuộc vận động lan tỏa hơn
Phó Chủ tịch UB MTTQ TP Đặng Việt Quân khẳng định, 10 năm cùng cả nước thực hiện CVĐ "Ngày vì người nghèo", xây dựng QVNN, hệ thống chính quyền từ TP đến cơ sở ở Hà Nội đã dành nhiều tâm huyết, tình cảm cho các hoạt động vì người nghèo. Điều này khẳng định ý nghĩa nhân văn sâu sắc, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của nhân dân Thủ đô, đem lại kết quả thiết thực, giúp người nghèo có điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Tuy vậy, công tác tuyên truyền, tổ chức vận động ủng hộ QVNN ở một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa sâu rộng nên kết quả chưa đồng đều. Qua khảo sát trên địa bàn TP, một số cơ sở còn cứng nhắc trong công tác sử dụng quỹ, chưa có nhiều biện pháp hữu hiệu giúp các hộ thoát nghèo bền vững.

Để chăm lo cho người nghèo tốt hơn nữa, thì hình thức tổ chức CVĐ cần được tiến hành đồng bộ từ TP đến cơ sở, nhằm huy động mọi nguồn lực về vật chất và tinh thần, giúp đỡ và sẻ chia với người nghèo. Cùng với việc tiếp tục vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân giúp đỡ các hộ nghèo, xã nghèo thì các địa phương cần khẩn trương hoàn thiện và triển khai các đề án giảm nghèo nhanh và bền vững. Việc sử dụng QVNN và nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện phải thực sự hiệu quả. Các địa phương cần gắn mục tiêu giảm nghèo với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, với các chính sách an sinh xã hội và chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có như vậy mới xóa nghèo bền vững.

Lê Hoàn