"Mù lòa" – châm biếm nhẹ nhàng con người của xã hội văn minh
Văn hóa - Ngày đăng : 18:15, 25/06/2010
Nhà văn Jose Saramago
(HNMO)- Với lối viết tỉ mỉ, châm biếm, nhà văn Jose Saramago nổi tiếng của Bồ Đào Nha, đã cuốn hút người đọc vào từng trang sách, cười khóc với các nhân vật trong truyện, và hơn hết là một sự suy ngẫm về con người của xã hội văn minh trong tiểu thuyết "Mù lòa".
Đúng như lời bà vợ ông bác sĩ: “Em không nghĩ chúng ta đã hóa mù, em nghĩ từ trước đến giờ chúng ta vẫn mù, Mù nhưng nhìn được, Những người mù có thể nhìn được, nhưng không thấy”.
Một người đàn ông đang lái xe ô tô bỗng dưng hóa mù. Một người qua đường đưa ông ta về nhà cũng hóa mù theo. Người bác sĩ nhãn khoa khám cho người đàn ông bị mù đầu tiên cùng những người bệnh trong phòng chờ hôm ấy đều bỗng dưng chẳng nhìn thấy gì nữa ngoài một sắc trắng như “bơi giữa biển sữa”. Bệnh mù trắng như căn bệnh lây lan khắp nơi, khiến tâm lý người dân hoảng loạn.
Những người phát bệnh đầu tiên cùng những người có khả năng phát bệnh bị chính phủ tập trung lại một chỗ và giam trong một nhà thương điên, để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh này. Họ bị cách ly hoàn toàn, bị những người có vũ trang canh gác, phòng khi họ chạy trốn. Và những ai có ý định hoặc bị ngờ là có ý định trốn đi đều bị bắn chết không thương tiếc.
Những con người văn minh là vậy khi bị nhốt vào đây bị đối xử vô cùng tồi tệ, và mọi cách hành xử văn minh của họ dần dần cũng mất đi theo. Họ đành tự tổ chức cuộc sống trong một cộng đồng mới không khác mấy so với xã hội loài người theo chủ nghĩa không tưởng vạch ra. Người sáng mắt duy nhất giúp đỡ họ là vợ của ông bác sĩ nhãn khoa, người đã nói dối là mình bị mù để “được” nhốt vào đây với chồng. Thế rồi, ngoài việc bị giam giữ, thiếu thốn đủ đường, đối mặt với tình trạng mất vệ sinh, thiếu đồ ăn, họ còn bị những kẻ mù côn đồ có vũ khí khác ức hiếp. Để tồn tại họ phải hy sinh mọi phẩm giá để nương tựa nhau mà sống, và có lúc không chịu nổi đè nén đã vùng lên để giành lấy công lý.
Căn bệnh mù tiếp tục lan ra ngoài những bức tường (của nhà thương điên). Trong khi chạy thoát khỏi một vụ cháy ở trong “nhà giam”, những người mù phát hiện ra các binh lính canh gác họ đều hóa mù hết nên giờ đây không ai cản họ trở lại với cuộc sống bên ngoài nữa. Các nhân vật trung tâm gồm vợ chồng bác sỹ nhãn khoa và 3 nam 2 nữ khác cùng tạo thành một nhóm để ‘trở về”. Nhưng cả xã hội lúc ấy đã đảo lộn.
Đây quả là một cơn ác mộng thực sự: một xã hội thành thị bậc cao nhanh chóng trở lại trạng thái xã hội man rợ khi toàn bộ cơ sở hạ tầng của cộng đồng sụp đổ và sự ủng hộ lẫn nhau cũng như nghĩa vụ giữa mọi người bị phá vỡ. Xác chết ngập đường, lương thực thiếu thốn, người nọ vào chiếm cứ nhà người kia, v.v…Và một lần nữa, bà vợ ông bác sỹ lại lèo lái giúp nhóm người của mình vượt qua cơn khủng hoảng này...
Cuốn tiểu thuyết "Mù lòa" (Blindness) cũng đã được dựng thành phim và là phim mở màn tại Liên hoan Phim Cannes 2008, được đạo diễn Fernado Meirelles thực hiện, với sự tham gia của dàn sao Julianne Moore, Julianne Moore, Mark Ruffalo, Danny Glover và Gael Garcia Bernal…
Tiểu thuyết "Mù lòa" đã được dịch giả Phạm Văn dịch ra tiếng Việt và sẽ ra mắt độc giả Việt Nam từ tháng 6/2010.
Nhà văn José Saramago: sinh năm 1922 tại Azinhaga, thuộc tỉnh Ribatejo, Bồ Đào Nha. Tác phẩm của ông đầy chất huyền thoại và đa nghĩa, gợi lại cổ tích qua cách nhìn độc đáo về lịch sử, xã hội và con người. Văn của ông đi sâu vào chi tiết, châm biếm và dí dỏm, siêu thực và đầy ẩn dụ. Mãi đến năm sáu mươi tuổi ông mới được nhiều người biết đến qua tác phẩm Memorial do Convento (Ký ức về nhà tu kín, 1982). Tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi nhất của ông là O Evangelho Segundo Jesus Cristo (Phúc âm theo Chúa Jesus, 1991), bị Thứ trưởng Ngoại giao Bồ Đào Nha loại khỏi danh sách các tác phẩm đề cử giải Văn chương châu Âu. Sáng tác của Saramago đa dạng, phong phú. Ông được trao giải thưởng Văn học năm 1998 vì văn phong hài diễu, trí tưởng tượng phong phú phản ánh hiện thực huyễn hoặc của thế giới. Văn phong ông thường được liên tưởng tới văn học hiện thực huyền ảo châu Mỹ Latinh. Một số tác phẩm của ông gồm có: Manual de Pintura e Caligrafia (Cẩm nang hội họa và thư pháp, 1977), Viagem a Portugal (Du lịch Bồ Đào Nha, 1981) O Ano da Morte de Ricardo Reis (Năm vua Ricardo băng hà, 1984), A Jangada de Pedra (Chiếc bè đá, 1986), História do Cerco de Lisboa (Trận bao vây Lisbon 1989), Todos os Nomes (Mọi cái tên, 1997), O Conto da Ilha Desconhecida (Chuyện hòn đảo vô danh, 1997), A Caverna (Hang động, 2001), O Homem Duplicado (Kẻ giống hệt, 2003), Ensaio sobre a Lucidez (Trong sáng, 2004), Don Giovanni ou o Dissoluto Absolvido (Don Giovanni hay Gã phóng đãng vô tội, 2005), As Intermitências da Morte (Thần chết tạm nghỉ, 2005), As Pequenas Memórias (Kỷ niệm ấu thơ, 2006), A Viagem do Elefante (Chuyến đi của con voi, 2008), Cain (2009). |