Cách nào chọn được người tài?

Giáo dục - Ngày đăng : 08:06, 24/06/2010

(HNM) - Theo kế hoạch, việc tuyển dụng viên chức, giáo viên (GV), nhân viên (NV) các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2010 sẽ diễn ra vào tháng 7 tới để kịp thời bổ sung nguồn nhân lực còn thiếu ở các trường trước ngày khai giảng năm học mới 2010-2011.

Giờ học của cô và trò Trường Mầm non Nhân Chính, quận Thanh Xuân.  Ảnh: Nguyệt Ánh


Phân cấp cho cơ sở
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có khoảng 75.000 cán bộ, GV các cấp học. Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD-ĐT, đội ngũ này cơ bản đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, song đây đó vẫn còn tình trạng cơ cấu GV chưa đồng bộ. Vì thế, việc tuyển dụng, xây dựng, củng cố đội ngũ GV sao cho không chỉ đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng mà còn đúng về cơ cấu luôn là một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu của ngành GD-ĐT.

Mặc dù chịu nhiều áp lực, song với việc được phân cấp, được giao quyền tự chủ, hầu hết các vị lãnh đạo hội đồng tuyển dụng đều đồng tình ủng hộ bởi với cách thức này, người tuyển dụng được tiếp cận với người lao động để có thể tuyển được đúng người phù hợp với công việc. Với trách nhiệm của người đứng đầu một đơn vị, chịu trách nhiệm về chất lượng GD-ĐT của cả đơn vị, việc "tuyển bừa" hoặc lợi dụng quyền hạn để nảy sinh tiêu cực là điều khó thể thực hiện. Với cơ chế ấy, ít ai dám, ít ai có thể và cũng ít ai muốn làm ngơ để tuyển những người không có thực lực. Cũng bởi thế, năm 2009, mặc dù có tới hơn 14.000 người đăng ký dự thi, song các đơn vị cũng chỉ tuyển được 4.428 người, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng là 5.049 người.

Chọn lối nào?
Theo dự thảo kế hoạch tổ chức tuyển dụng năm 2010, Hà Nội sẽ tuyển thêm 2.060 người, gồm 1.145 GV và 915 NV thư viện, thiết bị, thí nghiệm, văn thư kiêm thủ quỹ, kế toán, y tế… Tuy nhiên, việc thay đổi phương thức tuyển dụng từ thi tuyển sang xét tuyển đang khiến không ít người băn khoăn. Theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân thì ưu điểm lớn nhất của phương thức xét tuyển là tiết kiệm được chi phí nếu số lượng dự thi ít. Song trên thực tế, số lượng người dự tuyển thường không đồng đều giữa các chuyên ngành và giữa các trường ở các địa bàn khác nhau, có nơi rất đông, có nơi số lượng dự thi còn ít hơn cả chỉ tiêu tuyển dụng. Cũng theo bà Thủy, việc lấy kết quả trung bình toàn khóa nhân với hai để làm căn cứ xét tuyển là chưa công bằng cho những người có trình độ ĐH, bởi hiện nay, càng học lên bậc học cao thì việc cho điểm càng khắt khe hơn.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thế Đại, Phó phòng GD-ĐT quận Ba Đình cho rằng, mấy năm qua, số lượng sinh viên khu vực ngoại thành đổ xô về các quận nội thành thi khá đông, những vùng khó khăn mặc dù nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng lại rất ít người dự thi. Để hạn chế tình trạng thiếu GV ở vùng khó, ông đề nghị việc đăng ký dự thi phải được chia theo cụm, theo khu vực. Về phương thức xét tuyển, theo ông, có sinh viên học rất giỏi, nhưng không có phương pháp, kỹ năng sư phạm, dạy không giỏi. Nếu chỉ căn cứ trên hồ sơ thì không thể chính xác bởi kết quả thực tập ở các trường có tới 70-80% là động viên, khích lệ sinh viên, không phải là kết quả học tập thực chất.

Còn lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Phú Xuyên đề xuất mong muốn được tổ chức thi tuyển vì ở huyện có nhiều GV đã gắn bó với ngành 14-15 năm, có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và có phương pháp sư phạm, nếu xét tuyển thì họ khó còn cơ hội cống hiến với ngành. Thực tế tuyển dụng những năm qua cho thấy, nếu chỉ thông qua hồ sơ để xét tuyển thì sẽ rất khó tuyển được đúng người, có những sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi nhưng lại nói ngọng, thậm chí còn viết sai chính tả.

Lại có không ít ý kiến cho rằng không nên áp dụng cứng nhắc một phương thức tuyển dụng nào cho tất cả các khu vực trên địa bàn toàn TP. Việc tổ chức thi tuyển nên triển khai ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, còn ở vùng còn khó khăn nên áp dụng phương thức xét tuyển. Tuy vậy, quyết định cuối cùng vẫn là ở các cấp quản lý.

Thống Nhất