Những bông hoa thép
Giới trẻ - Ngày đăng : 08:01, 24/06/2010
Bà Năm Sương (người ngồi bên phải) đang trao đổi với Ấp trưởng Nguyễn Văn Tuấn việc gây quỹ từ thiện ở khu dân cư. |
Cô du kích 18 tuổi và mối tình giữa khói lửa chiến trường
Trong miên man giữa quá khứ và thực tại, tôi tìm về xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi). Chợ của ấp lô 6 họp ngay ven đường Tỉnh lộ 7 vào buổi tan tầm, tấp nập người mua người bán. Đúng tọa độ mà ông Hai Thành (Đại tá Phạm Tấn Thành, nguyên Chính trị viên Trung đoàn Gia Định) chỉ dẫn, tôi hỏi nhà bà Lê Thị Sương, tức Năm Sương, nguyên Chính trị viên đội du kích nữ. Như giới thiệu của các CCB thuộc đấng mày râu, đó là một trong những bông hồng thép của mảnh đất này.
Những người bán hàng trong chợ dường như ai cũng biết bà Năm Sương dù nhà của bà nằm sâu trong một hẻm nhỏ. Vào nhà, thấy bà đang ngồi ngoài sân bàn với Ấp trưởng Nguyễn Văn Tuấn chuyện gây quỹ từ thiện ở khu dân cư. Bà bảo, đang trông nhà đợi mấy đứa cháu đi học về, không thì cũng đã lọ mọ ra chợ chơi rồi. Kể rằng cũng vừa từ ngoài đó hỏi đường, gặp mấy người nhiệt tình lắm, bà nói: “Ở đây, lứa tuổi tui ngày chiến tranh, người đi bộ đội, người vào du kích, làng trên xóm dưới biết nhau cả”. Thì Củ Chi nức tiếng với hệ thống địa đạo dài gần 250 cây số nối các gia đình thành những làng chiến đấu, đánh giặc giữ đất “một tấc không đi, một ly không rời”…
Bà kể: Tháng 8-1965 đế quốc Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam. Các lực lượng vũ trang nhân dân phát triển rộng khắp, trẻ, già, trai, gái mọi nơi đều được vũ trang bằng mọi thứ vũ khí, kể cả vũ khí thô sơ để đương đầu với kẻ thù. Đội nữ du kích Củ Chi thành lập ngày 10-11-1965. Khi ấy chị Nguyễn Thị Nê (tức Bảy Nê) - xã đội phó Phú Hòa Đông được điều lên làm đội trưởng, chị Trần Thị Nhỡ (Út Nhỡ) - xã đội phó Nhuận Đức về làm đội phó. Ban đầu, đội nữ du kích Củ Chi chỉ có vậy. Rồi 2 người đến vận động bà tham gia, chả gì thì bà cũng có họ hàng với Út Nhỡ, lúc đó bà đang thuộc đội du kích xã Trung Lập Thượng. Năm ấy bà Sương tròn 18 tuổi. Thế là 3 người dắt díu nhau đi khắp nơi “chiêu” quân “tóc dài”, một số chị em lúc đó đang tham gia du kích các xã, lại có những người mới 15-16 tuổi cũng tình nguyện gia nhập đội. Một thời gian sau, đội nữ du kích Củ Chi tập hợp gần 20 chị em và được huyện đội đưa đi huấn luyện quân sự, cũng lăn lê bò toài, học bắn súng, ném lựu đạn… Rồi sau, để quen dần với trận mạc, đội chia thành từng tổ, nhập vào các đơn vị chiến đấu ở vành đai vòng ngoài như đại đội Dũng Cảm, đại đội Quyết Chiến (quân địa phương), tiểu đoàn Quyết Thắng (quân chủ lực của quân khu)… trực tiếp đối mặt với địch ở căn cứ Đồng Dù.
Trò chuyện với bà Năm Sương tôi cứ liên tưởng tới một sáng tác về mảnh đất Củ Chi của nhạc sĩ Quốc Thạnh, quả thật các bà ngày ấy như những đóa hồng của địa danh huyền thoại này. Bà kể, chúng tôi cũng đào hào, bám công sự chiến đấu cùng bộ đội, nhiều đợt ở miết 10-15 ngày mới trở về làng. Đói, khổ và hầu hết chị em đều bị các bệnh ngoài da như ghẻ nước, hắc lào… hành hạ, nhưng ai cũng thấy vui, thấy trưởng thành và đâu có thua kém gì nam giới. Rồi bà trầm giọng: “Nhưng thiệt tình mà nói, chúng tôi cực hơn nam giới nhiều, mà có những chuyện rất khó kể ra”. Nghe bà nói, tôi cứ hình dung hình ảnh cô Năm Sương mới mười tám tuổi đầu, trong công sự còn phải ngáng thêm gậy tầm vông ngang chiến hào làm giá để đứng lên ngắm bắn quân thù. Ấy vậy mà cuối năm 1965, bà phải lòng một anh bộ đội tên Nguyễn Tấn Tài, lính Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) của mặt trận miền Đông Nam bộ, rồi hai người thề non hẹn biển chờ ngày chiến thắng. Sau đó, bà trụ lại ở Củ Chi, còn ông đi khắp các mặt trận, bị thương rồi chuyển công tác về Cục chính trị miền. Sau ngày 30-4-1975, đất nước liền một dải, miền Nam sạch bóng quân thù, ông đã về Củ Chi tìm bà và hai người nên vợ nên chồng. Đó là điều mà bà Năm Sương luôn tâm niệm rằng mình may mắn hơn nhiều chị em trong đội.
Cái chết và sự sống cách nhau trong gang tấc
Có những giai đoạn đội nữ du kích Củ Chi được củng cố và phát triển lên tới 42 người. Ngoài việc cầm súng chiến đấu chống càn, đội còn động viên người dân tham gia tòng quân, đào hầm địa đạo, tải lương thực, đạn dược phục vụ chiến đấu, rồi trừ gian diệt ác, hóa trang trinh sát, xây dựng cơ sở trong lòng địch… Bất cứ nhiệm vụ, công tác gì được giao, chị em đều không quản khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành. Với bà Năm Sương, đáng nhớ nhất là những trận chống càn khi cái chết và sự sống cách nhau gang tấc. Giai đoạn 1965-1969 là những năm tháng ác liệt của Củ Chi khi Mỹ - ngụy nống quân đi càn như cơm bữa nhằm bình định, dồn dân lập ấp chiến lược. Đầu năm 1966, một tổ 3 người có bà Sương, bà Nga do đội phó Út Nhỡ chỉ huy nhận nhiệm vụ đánh Mỹ đi càn ở ngã ba Nhuận Đức. Chỉ với 3 tay súng của đội quân tóc dài và dựa vào các loại hầm chông, hố đinh, bãi trái (gài mìn tự tạo chế từ pháo lép của địch) cùng hệ thống địa đạo liên hoàn đã tiêu diệt tại trận 30 lính Mỹ và 1 xe tăng. Sau trận đó, đội tiếp tục củng cố chiến hào, đào thông thêm các địa đạo và đánh lui cả một trung đoàn ngụy càn vào làng. Bà Sương kể, thua trận, thiệt hại nặng nề mà chúng rất hoang mang, không thể biết ta có bao nhiêu tay súng, cứ y như “đạn có mắt”. Từ các ụ mối, những lỗ châu mai được kín đáo ngụy trang trong địa đạo, chị em du kích bình tĩnh chờ địch tiến đến sát chừng 3-5m mới nổ súng, sau đó lại vận động theo địa đạo, vòng ra sau lưng địch đánh úp nên chúng không biết đâu mà lường.
Trận khác (tháng 5-1967), đội trưởng Bảy Nê chỉ huy một tổ 3 người nhận nhiệm vụ đánh vào căn cứ Đồng Dù. Chính Bảy Nê đã 3 lần vượt qua 26 lớp kẽm gai bùng nhùng gắn đầy mìn cóc và đèn chiếu sáng để vào trinh sát, nắm chắc vị trí từng chiếc xe tăng, khẩu pháo mà không để lại dấu vết gì. Rồi chỉ trong 1 đêm, tổ “tóc dài” đã dùng mìn định hướng và thuốc nổ, tấn công tiêu diệt 50 lính Mỹ, phá hủy 7 xe tăng và 5 khẩu pháo 105 ly, sau đó tất cả rút lui an toàn về căn cứ làm giặc kinh hồn bạt vía. Sau trận này, chúng ra giá, treo thưởng rất cao những cái đầu của các nữ du kích Củ Chi.
Khung cảnh vừa sản xuất vừa chiến đấu của bộ đội và du kích được tái hiện trong Khu di tích địa đạo Củ Chi. |
Điều đặc biệt không phải đơn vị nào cũng làm được đó là 100% chị em trong đội đều được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Bà Sương bảo thật ra thì cũng… hơi ăn gian. Sau mỗi trận đánh, thống kê lại, người nọ nhường người kia, người đạt rồi thì cho người chưa có danh hiệu “vay”, thế là cuối cùng chị em ai cũng đủ “cơ số” theo quy định. Danh tiếng của đội nổi như cồn, Mỹ - ngụy đều ớn khi phải đối mặt, đọ súng với họ. Nhưng cuộc chiến nào không có những mất mát, hy sinh. Và trên vùng đất khốc liệt này, có những nỗi đau chưa biết bao giờ mới có thể nguôi ngoai. Có những tổ 3 người của đội bị địch trốc hầm, gọi hàng nhưng chị em chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi cho nổ mìn cùng hy sinh. Lại có những tổ bị địch đánh bom, bắn pháo, mặt đất bị san phẳng, không để lại dấu tích gì. Hay trận Rừng Tre (15-5-1968), đội nữ phối hợp với tiểu đoàn 7 chống càn. Địch đã huy động lực lượng được hơn 200 xe tăng và máy bay yểm trợ. Trong 11 ngày, ta đã đánh lui 9 trận, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy 9 xe tăng và tiêu diệt hàng trăm tên địch. Nhưng cũng trận đó tổ nữ du kích 5 người của bà Sương hy sinh 4, ngay bản thân bà cũng đã bắn đến viên đạn cuối cùng…
Để xứng với sự hy sinh của những người đã khuất
Câu chuyện bà Năm Sương kể liên tục gián đoạn, giọng bà như nghẹn lại. Chị Trong bị địch bắt và tháo khớp cánh tay phải “cho hết làm Việt cộng”. Sau này chị tiếp tục tập bắn súng Rulô bằng tay trái, rồi làm đội trưởng đội du kích nữ, tham gia hàng chục trận đánh cho tới ngày giải phóng. Chị Tuyết bị thương nặng, biết mình không qua khỏi, lời trối trăng nhắn gửi chị em là đồ đạc để mà dùng, đừng chôn theo cho phí. Rồi chị Châu bắn hết đạn bị địch trốc hầm bắt sống, tra tấn đến chết. Chị Hà đột nhập vào đồn diệt ác ôn nhưng đạn bị kẹt không nổ, chúng trói chặt tay chân dùng xe Zep kéo lê quanh đồn…
Cho đến ngày chiến thắng, đã có 24 người của đội nữ du kích Củ Chi nằm xuống mảnh đất này. Đội trưởng Nguyễn Thị Nê - người từng được đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền lần thứ 2 (năm 1967) và vinh dự được đại hội cho phép viết thư báo cáo với Bác Hồ thành tích của đội nữ du kích Củ Chi - đã anh dũng hy sinh trong một trận phục kích của giặc khi mới tròn 22 tuổi. Sau này chị được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì thành tích chiến đấu và chỉ huy chiến đấu hơn 100 trận, diệt gần 500 tên địch, có 200 lính Mỹ, phá hủy 70 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 15 máy bay…
“Sau này chúng tôi lấy ngày hy sinh của chị Nê (ngày 10-10 âm lịch) là ngày giỗ chung cho 24 người trong đội và cũng là dịp để họp mặt những người còn sống” - Bà Năm Sương kể tiếp câu chuyện. Đã 35 năm đất nước ngưng tiếng súng nhưng có những sự day dứt vẫn in hằn theo thời gian. “Xót xa lắm khi nhiều đồng đội đến giờ vẫn không thể tìm được hài cốt. Rồi có người quá lứa nhỡ thì, về già trong cảnh độc thân. Có những người âm thầm gánh chịu hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Lại có người chật vật lo toan cuộc sống thường nhật…” Những CCB nữ du kích Củ Chi lại sát cánh, giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hôm nay. Các bà đã thành lập một quỹ riêng để có nguồn tiền hỗ trợ cho những trường hợp cần vay vốn phát triển kinh tế gia đình hay thăm hỏi các thành viên trong đội những lúc bệnh tật, đau yếu. Với các trường hợp chị em khó khăn về nhà ở, các bà đôn đáo “gõ” mọi cửa, vận động chính quyền, đoàn thể và doanh nghiệp hỗ trợ xây nhà tình nghĩa. “Ngày 18-4 vừa rồi, chúng tôi vừa bàn giao một căn nhà như thế cho cô Nỉ, sống độc thân ở xã Thái Mỹ” - Bà Năm Sương phấn khởi khoe như vậy. Tôi còn được biết bà cùng một số chị em trong đội có điều kiện hơn mọi người, tranh thủ thời gian mỗi tuần dành 3 buổi vào Bệnh viện Củ Chi, nấu cơm làm từ thiện cho những bệnh nhân nghèo; rồi tham gia Hội chữa trị đông tây y kết hợp cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở đền Gia Định…
Vài chuyện về những bông hoa thép của mảnh đất Củ Chi Anh hùng là vậy. Trong quá khứ, họ đã không tiếc xương máu và tuổi thanh xuân, đứng lên cầm súng chiến đấu, anh dũng kiên cường bảo vệ quê hương. Nay đất nước thời bình, dù đều đã ở xấp xỉ cái tuổi “cổ lai hy”, họ vẫn âm thầm cống hiến sức mình cho đồng đội, cho xã hội, để xứng đáng với sự hy sinh của những người đã ngã xuống. Họ chính là những bông hoa tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam: Kiên cường - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang.