Quá nhiều vật cản
Kinh tế - Ngày đăng : 07:28, 24/06/2010
Thực hiện và giải ngân chậm
Báo cáo kiểm điểm chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm của Sở NN&PTNT cho thấy, tổng kế hoạch vốn xây dựng thành phố giao cho Sở thực hiện trong năm nay khoảng 602 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn ngân sách của thành phố đầu tư nhiều nhất, gần 265 tỷ đồng cho 64 dự án (kể cả việc lập chủ trương chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án), tiếp đến là nguồn vốn Bộ NN&PTNT 222 tỷ đồng cho 7 dự án, nguồn vốn trái phiếu chính phủ 115 tỷ đồng cho 7 dự án. Ngoài ra, còn 6 tỷ đồng dành cho việc lập các quy hoạch như: Phát triển nông nghiệp, hệ thống thủy lợi và quy hoạch các khu dân cư nông thôn ở vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Hằng năm, ngân sách nhà nước đầu tư khá lớn cho việc gia cố đê trên địa bàn Hà Nội phục vụ công tác phòng, chống lụt bão. |
Thế nhưng, đến trung tuần tháng 5, khối lượng thực hiện và giải ngân cho các dự án XDCB trong ngành nông nghiệp mới đạt 33% kế hoạch năm, trong đó chủ yếu tập trung vào các dự án chuyển tiếp từ năm cũ sang (đạt gần 109/170,3 tỷ đồng, bằng 64% kế hoạch năm). Còn các dự án đầu tư mới, khối lượng thực hiện mới được khoảng 41% kế hoạch, nhưng vốn mới chỉ giải ngân đạt 35% kế hoạch năm. Băn khoăn nhất là tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án có sử dụng nguồn vốn Bộ NN&PTNT và vốn trái phiếu chính phủ quá chậm. Đến thời điểm này, các dự án sử dụng nguồn vốn Bộ NN&PTNT mới giải ngân được 40 tỷ đồng/222 tỷ đồng, bằng 18% kế hoạch. Đặc biệt, nguồn vốn trái phiếu chính phủ mới bắt đầu có khối lượng thực hiện để tiến hành việc giải ngân.
Không chỉ có vậy, các dự án ở địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình lập chủ trương đầu tư và thực hiện. Ông Chu Đại Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, 8 nhóm dự án nông nghiệp của huyện được lập từ năm 2009 với vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt triển khai. Tại huyện Ba Vì, 2 dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Yên Hồng 2 và Đồng Xô đang thi công theo kiểu xôi đỗ do vướng mặt bằng và chờ phê duyệt điều chỉnh vốn đầu tư.
Do tiến độ thực hiện và giải ngân những tháng đầu năm chậm, Sở NN&PTNT đã đề xuất với UBND TP điều chuyển vốn một số dự án triển khai chậm sang dự án khác. Tuy nhiên, do những vướng mắc trong khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, thỏa thuận giải phóng mặt bằng... nên nhiều dự án đã có vốn vẫn chưa thể khởi công.
Phụ thuộc quy hoạch chung
Ông Phạm Xuân Quang, Trưởng phòng Kế hoạch (Sở NN&PTNT) cho biết, vướng mắc chủ yếu là thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp liên quan đến công tác thu hồi đất, đánh giá tác động môi trường, GPMB... Ông Quang viện dẫn, theo quy trình, với một dự án, riêng khâu làm các thủ tục giải phóng mặt bằng kéo dài tới 6 tháng. Để kịp tiến độ đầu tư được duyệt, có những dự án các ban quản lý dự án ngành nông nghiệp buộc phải thỏa thuận với địa phương tiến hành giải phóng mặt bằng trước, sau đó mới hoàn thiện thủ tục có liên quan. Còn việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án nông nghiệp hiện nay quy định quá ngặt nghèo, từ những dự án lớn đến dự án nhỏ, có dự án chỉ làm trạm bơm tưới hoặc kè sông, thậm chí chỉ là dự án sửa chữa cũng phải đầy đủ thủ tục đánh giá tác động môi trường, thời gian kéo dài tới 2-3 tháng.
Liên quan đến những vướng mắc trong quá trình làm thủ tục đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, cấp huyện được giao làm chủ dự án khi triển khai chậm rất ái ngại bởi dự án đầu tư tiền tỷ nếu không thực hiện hiệu quả về sau nảy sinh nhiều phức tạp. Trong khi đó, thủ tục xin ý kiến chấp thuận của các sở, ngành liên quan lại vòng vo, không ít dự án thủ tục bị quay vòng 4 - 5 lần. Nhưng vướng mắc lớn nhất là các đồ án quy hoạch chung của thành phố chưa xong. Chung quan điểm này, ông Phạm Xuân Quang cho biết thêm, hiện nay, các quy hoạch như: phòng chống lũ, thủy lợi, nông nghiệp, quy hoạch rừng rất khó thực hiện vì phụ thuộc các quy hoạch chung của thành phố. Do quy hoạch sử dụng đất của thành phố chưa xong nên ngành nông nghiệp không biết quỹ đất còn bao nhiêu để thực hiện việc quy hoạch ngành. Hiện đang xảy ra tình trạng nhiều dự án, kể cả có chủ trương đầu tư khi xin ý kiến, nhưng các sở, ngành chưa đặt bút phê duyệt, vì vậy các dự án đầu tư trong ngành nông nghiệp bị chậm là điều dễ hiểu.