Vẫn bát nháo trước giờ bị “siết”
Kinh tế - Ngày đăng : 07:08, 24/06/2010
Mải lợi nhuận, quên khách hàng
Có thể nói, hầu hết thuê bao di động của các nhà mạng đều bị rơi vào tình trạng liên tiếp nhận "bom" tin rác từ những số điện thoại lạ, với đủ các nội dung từ quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, mời gọi tham gia trò chơi, tải hình ảnh đến mời chơi lô, đề. Không dừng lại, các nhà cung cấp nội dung này còn tung ra các tin nhắn kiểu lừa đảo như "dụ" khách hàng nhắn tin đến đầu số nào đó để nhận quà tặng, rồi trừ thẳng số tiền không nhỏ trong tài khoản của khách hàng. Một dạo dư luận lên tiếng, cơ quan quản lý nhắc nhở, "phong trào" gửi tin nhắn rác tạm lắng. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tin nhắn rác lại xuất hiện bền bỉ "hành hạ" khách hàng.
Tràn ngập sim “bán lẻ rẻ như bán buôn”... Ảnh: Thanh Hải |
Nhiều khách hàng phản ánh, cứ vào đêm khuya, họ lại nhận được cuộc gọi từ những số điện thoại lạ quấy rối, khi thì hỏi han lung tung, khi thì văng tục... Phản ánh đến nhà mạng thì được giải thích họ sẽ ghi nhận thông tin, nhưng để thuận tiện khách hàng phải viết đơn đề nghị giải quyết để có cơ sở làm việc với nhà cung cấp dịch vụ của thuê bao quấy rối... Lẽ ra, giữa các nhà mạng phải có sự thống nhất bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Nghĩa là chỉ cần có phản ánh của khách, về việc bị quấy rối là nhà mạng có đủ căn cứ để liên lạc trực tiếp tới số điện thoại vi phạm hoặc thông báo để mạng khác (nếu có) nhắc nhở thuê bao nhắn tin, gọi điện quấy rối. Thay vì bảo vệ khách hàng, họ lại có những quy định phiền hà, khiến chủ thuê bao thấy mình bị "hành". Không chỉ như vậy, các nhà mạng còn có thêm dịch vụ quản lý nhằm chặn cuộc gọi không mong muốn với mức 5.000-10.000 đồng/tháng, tuy nhiên, tin nhắn rác lại chưa chặn được!
Với các cuộc gọi quấy rối, chúng ta có thể chia sẻ thông cảm với nhà mạng, song xảy ra nạn tin rác như hiện nay bắt nguồn từ sự hợp tác ăn chia giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung. Do vậy, sẽ là dễ hiểu nếu thuê bao di động sẽ còn tiếp tục dài dài nhận được tin rác.
Nhà mạng "buông", đại lý làm mưa làm gió
Đăng ký sử dụng dịch vụ tại một cửa hàng của Vietnam Mobile. Ảnh: Thanh Hải |
Nạn tin rác, gọi điện quấy rối chủ yếu xuất phát từ các TBTT. Đây cũng là lượng thuê bao chủ yếu của nhà cung cấp dịch vụ di động, tăng - giảm đột biến ăn theo các chương trình khuyến mãi. Hệ quả là, TBTT tuy có tăng, nhưng lại là thuê bao ảo và là căn nguyên không chỉ gây lãng phí kho số mà từ đó nảy sinh ra các vấn đề như đã nêu… Nhà mạng buông lỏng quản lý và dường như chỉ biết tung sim ra thị trường, mặc các đại lý ủy quyền "làm mưa, làm gió" mà bỏ qua giám sát, kiểm tra. Trong một báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và truyền thông sau khi kiểm tra tại các nhà mạng (thực hiện trong tháng 4-2010) cho thấy, việc DN buông lỏng giám sát dẫn đến đại lý ủy quyền thuộc các nhà mạng chấp nhận 1 chứng minh thư (CMT) có thể đăng ký thông tin cá nhân cho hàng trăm nghìn thuê bao. "Tiêu biểu" phải kể đến Vietnamobile với 240.559 thuê bao/CMT... Trong khi quy định là 1 CMT chỉ được đăng ký 3 sim/nhà mạng và tính cả 7 nhà cung cấp, mỗi thuê bao chỉ được đăng ký tối đa 21 sim. Tại một số DN, có hiện tượng thuê bao đã đăng ký thông tin nhưng chưa kích hoạt quá lớn, trong đó hai "đại gia" thuộc nhóm chiếm giữ thị phần khống chế lần lượt "ôm" mức kỷ lục 4,6 triệu và 2,2 triệu thuê bao chưa kích hoạt. Từ đó cho thấy, hiệu quả sử dụng đầu số, kho số của DN thấp... Vấn đề này thêm một lần nữa cho thấy, số lượng thuê bao mà các DN cung cấp dịch vụ công bố lâu nay cũng là... "ảo"!?
Để thắt chặt quản lý thuê bao trả trước, Bộ Thông tin và truyền thông đã ban hành văn bản siết chặt khuyến mãi áp dụng từ ngày 1-7 tới. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang có kế hoạch ban hành quy định cấm mua bán sim đã đăng ký thông tin nhằm ngăn chặn việc cửa hàng găm, giữ sim... Nhưng vấn đề là, những quy định này liệu có được các nhà mạng thực hiện triệt để ?