Ra mắt “Vắng mặt” - tiểu thuyết thứ 3 vào chung khảo
Văn hóa - Ngày đăng : 16:08, 23/06/2010
(HNMO) - Hội đồng thẩm định Giải thưởng Văn Bách Việt vừa chọn được tác phẩm thứ 3 vào chung khảo, đó là tiểu thuyết “Vắng mặt” của tác giả Đỗ Phấn (Hà Nội). Hai tác phẩm cũng được chọn vào vòng này đó là “Thể xác lưu lạc” của Tiến Đạt và “Tiền Định” của Đoàn Lê. Tác phẩm “Vắng mặt” sẽ ra mắt độc giả từ hôm nay 23/6.
“Vắng mặt” bắt đầu bằng “Mi”, ở ngôi thứ nhất. Là “Mi”, không phải “Y”, hay “Tôi” hay “Mình”… Nhưng “Mi” cũng là một kẻ khác. Không hẳn là kẻ xa lạ, nhưng rõ ràng là khác với “Mi”. Đó là một cách chọn, hay chỉ ngẫu nhiên? Dù sao vẫn khiến người đọc cảm thấy thú vị.“Mi” (tức nhân vật chính: họa sĩ Vũ) có gì để kể? Chuyện về những bữa rượu bạn bè. Chuyện gái gú. Chuyện vẽ vời. Đứt đoạn, chắp nối, thực hư… Qua các cuộc chè chén của đám bạn cũ, Vũ gặp Ngọc - một người phụ nữ quyến rũ nhưng cô độc. Cuộc tình của họ kéo dài một thời gian rồi cũng tự tan vỡ, Ngọc đi lấy chồng, một thanh niên kém mình hàng chục tuổi mà không một lời giải thích. Vũ trôi nổi với cuộc đời không điểm tựa cho đến khi gặp lại Khoa, một người bạn cũ thời học sinh và quyết định theo chân Khoa vào Sài Gòn “lập nghiệp”. Trong những tháng ngày ở nhà người bạn, được chăm chút đầy đủ về vật chất, Vũ quay lại với công việc của mình. Ngày mỗi ngày, căn phòng của anh tràn ngập những sáng tác hội họa mà sau đó đều có giá trị bằng “ngàn đô”. Trở thành một họa sỹ nổi tiếng song đồng thời, Vũ cũng đánh đổi một tình bạn của mình với Khoa bằng một giá đắt: Tuyết (vợ Khoa) có bầu với Vũ và cô đã giữ lại đứa bé cho mình. Khoa không có khả năng làm cha, song anh vẫn tin rằng đứa bé là con của mình bởi cũng trong lúc đó, anh đang cặp bồ với một cô gái khác. Vũ chạy trốn bằng cách trở về thành phố cũ. Chạy trốn cuộc sống tẻ nhạt quanh mình bằng các cuộc tình chớp nhoáng: với cô sinh viên năm cuối, với cô gái vạn chài, với người phụ nữ tên Phượng, giàu có, quyến rũ và cô đơn.
Đàn bà và sex là hai chủ đề chính trong cả tiểu thuyết và cũng được nhấn nhá kỹ. Những câu chuyện nức nở thiếu phụ, những băn khoăn thiếu nữ, từ cô điếm Minh Vân tuổi còn thiếu niên đến chuyện cô Phượng từng trải… ngập tràn bởi đàn bà cho đàn bà của đàn bà, kể cả nhân vật chính có là đàn ông. Thậm chí từ một cô sinh viên Mỹ thuật, muốn có cuộc triển lãm tranh của riêng mình thì cũng phải đánh đổi bằng thú vui thân xác. Mà thật ra, cái chuyện “bán trao mua đổi” này không còn lạ lẫm trong cuộc sống hiện tại, thì nhân vật chính đàn ông vẫn bị đánh giá chẳng ra gì.
Không còn hư thực, lẫn lộn nữa, mà là vắng mặt. Con người soi gương và hốt hoảng không nhìn thấy khuôn mặt mình. Nhưng Đỗ Phấn không “nói triết”, tác giả cũng loại trừ một lối viết ẩn dụ, hay huyền ảo, hay giễu cợt, hay luận đề… Tác giả chỉ tập trung làm rõ những tính chất của sự thật bằng cách lấy hiện thực làm chất liệu, và phổ lên đó cái giọng buồn, cái nụ cười thầm của mình.
Cuối cùng là sắp đặt một cuộc chạy trốn. Họa sỹ Vũ mua một căn nhà ở nông thôn, cái ý nghĩ để được sống với thiên nhiên đích xác hơn là thích không gian quê kiểng. Trong cuộc xê dịch có chủ đích như thế, “Mi” chợt nhận ra rằng, những người ở phố thì đang chạy về quê, còn những người ở quê thì đang ùn ùn lên thành phố. Và “Mi” tự hỏi: “Những con người làm nên cuộc sống và bộ mặt phố phường. Họ là ai thế nhỉ???”. (“… Vừa nhớ vừa bịa” - Trần Nhã Thụy)