Sẽ là ngày hội của mọi người, mọi nhà
Xã hội - Ngày đăng : 06:56, 23/06/2010
* Hai DN nhận xây 2 cổng chào tặng Thủ đô
(HNM) - Ngày 22-6, tại Khu di tích Đồi 79 mùa Xuân, huyện Mê Linh (Hà Nội), Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã chủ trì hội nghị triển khai các hoạt động văn hóa cơ sở kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tới đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể và 29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô.
Để "Mọi người, mọi nhà đều vui trong ngày Đại lễ", hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ được tổ chức ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn. Về công tác tuyên truyền quảng bá, chỉnh trang đường phố, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: 100% các hộ dân có nhà ở mặt đường, nhà tập thể, các cơ quan, đơn vị, trường học sẽ treo cờ Tổ quốc, trang trí đèn hoa, các khu di tích, danh thắng sẽ treo cờ hội, cờ thần, khẩu hiệu; các cụm quảng cáo tấm lớn, hộp đèn trên dải phân cách sẽ treo tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các tuyến phố xanh - sạch - đẹp sẽ được tổ chức chấm điểm chéo và trao giải vào thời điểm 30 ngày trước Đại lễ. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật từ nay đến Đại lễ bao gồm: Liên hoan múa hát tập thể và ca khúc măng non, liên hoan sân khấu không chuyên với chủ đề 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, liên hoan cả nước hát về Hà Nội. Riêng trong 10 ngày Đại lễ, dự kiến sẽ có 21 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và 12 đoàn nghệ thuật quốc tế biểu diễn hơn 300 buổi phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân. Đặc biệt, trên một số tuyến phố sẽ có các festival đường phố do Đoàn Thanh niên đảm nhiệm.
Báo cáo của các quận, huyện cho thấy công tác triển khai các hoạt động văn hóa, nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội ở cấp cơ sở khá sôi nổi, hứa hẹn mang tới bữa đại tiệc văn hóa cho người dân vào dịp Thủ đô nghìn tuổi.
Phát biểu chỉ đạo việc tổng kết 10 năm phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các địa phương tiến hành xong trước ngày 31-7, trên cơ sở đó thành phố sẽ tổng kết vào trung tuần tháng 8…
* Công ty cổ phần Him Lam và Công ty cổ phần Vincom đề nghị xây dựng 2 trong số 5 cổng chào kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tặng thành phố. Ba doanh nghiệp (DN) khác cũng dự định ủng hộ ít nhất 50% kinh phí xây dựng 3 cổng chào còn lại. Đây là thông tin từ cuộc họp diễn ra chiều qua (22-6) giữa UBND TP Hà Nội với các sở, ngành và các nhà đầu tư về ý tưởng và phương án thiết kế 5 cổng chào kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tổng kinh phí xây dựng 5 cổng chào theo dự tính là khoảng 50 tỷ đồng. Chủ trì cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình đã chỉ định 5 DN xây dựng 5 cổng chào gồm: Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) làm cổng số 2 trên đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài; Công ty cổ phần Vincom làm cổng chào số 1 trên quốc lộ 1A; Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC làm cổng chào số 4 trên quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng; Vinaconex làm cổng chào số 3 trên đường Láng - Hòa Lạc; Công ty cổ phần Him Lam làm cổng số 5 trên đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn.
Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo thành phố đã nghe Văn phòng BCĐ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trình bản thiết kế ý tưởng 5 cổng chào. Cổng chào số 1 thuộc xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên với quy mô khoảng 5.000m2 đất, là hình tượng 10 cánh chim Lạc Việt vươn lên trời cao. Cổng chào số 2 thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn với quy mô khoảng 5.000m2, là hình tang trống đồng cách điệu. Cổng chào số 3 tiếp giáp sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức với quy mô khoảng 4.000m2, là hình tượng trống đồng vươn lên từ đất và nước. Cổng chào số 4 với quy mô khoảng 1.200m2 thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, là hình tượng cọc trụ diệt giặc trên sông Bạch Đằng vừa như cánh buồm vươn ra biển. Cổng chào số 5 thuộc xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm với quy mô khoảng 2.800m2, là hình 8 rồng chầu tượng trưng cho 8 vị vua triều Lý.