Để “cập bến” an toàn...
Xã hội - Ngày đăng : 04:25, 23/06/2010
Rất dễ hiểu mối quan tâm này, bởi muốn có được cụm từ "thành công tốt đẹp" khi tổng kết cuối mùa, điều tiên quyết là các giải đấu không để xảy sự cố lớn, gây dư luận xấu trong xã hội. Việc tổ chức sơ kết giai đoạn 1 chính là dịp để các nhà quản lý và giới chuyên môn "ngồi lại với nhau", cùng rút kinh nghiệm nhằm đưa ra biện pháp cần thiết cho các vòng đấu ở giai đoạn 2 (lượt về). Vậy nhìn lại giai đoạn 1 (lượt đi), đâu là những vấn đề cần khắc phục?
Các trọng tài cần bắt chuẩn xác và nghiêm khắc hơn nữa trong giai đoạn lượt về V-league 2010. |
Theo TTK LĐBĐ Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn, tồn tại đầu tiên là "tình trạng một số cầu thủ thi đấu thô bạo, có hành vi thiếu văn hóa, phản ứng trọng tài". Lượt đi diễn ra rất quyết liệt với sự sít sao về điểm số giữa các đội, số lượng thẻ phạt tăng cao trong các vòng đấu cuối. Nhiều con số rất đáng suy ngẫm, ví như tổng số thẻ vàng ở lượt đi
V-League là 402 thẻ (trung bình 4,4 thẻ/trận), giải hạng Nhất quốc gia 381 thẻ (4,88 thẻ/trận), Cúp quốc gia 101 thẻ (4,2 thẻ/trận), chưa kể 60 chiếc thẻ đỏ được phát ra cho 3 giải! Vậy mà BTC vẫn phải thừa nhận: "Mặc dù số lượng thẻ phạt tăng cao hơn hẳn, song vẫn còn hiện tượng trọng tài nương nhẹ, bỏ sót thẻ đối với hành vi bạo lực, hành vi phi thể thao trên sân"!
Một trong những lý giải là "các trận đấu diễn ra quyết liệt, sòng phẳng, mang tính cạnh tranh cao, dễ làm nảy sinh các hành vi quá mức cần thiết, thi đấu thô bạo của một bộ phận cầu thủ". Mặt khác, sự đầu tư mạnh mẽ của các đội bóng vào thị trường chuyển nhượng, chuyện tiền lương, tiền thưởng của các cầu thủ... đã phần nào tạo áp lực, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và hành vi của các cầu thủ.
Ngoài hiện tượng tiêu cực từ phía cầu thủ, còn phải kể đến hiện tượng một số cổ động viên (CĐV) sử dụng pháo sáng trên các khán đài, một số khác có hành vi thiếu văn hóa trong các trận đấu hoặc gây căng thẳng với tổ trọng tài điều hành trận đấu. Tất cả những điều ấy đã gây khó khăn không nhỏ cho công tác tổ chức, an ninh, an toàn cho các trận đấu.
Nhận ra tồn tại, đề ra giải pháp nào để khắc phục, nhất là khi các trận đấu lượt về sẽ càng quyết liệt? TTK VFF Trần Quốc Tuấn cho biết: "Điểm đặc biệt là trong mùa giải năm nay, BTC giải cung cấp đầy đủ tư liệu chuyên môn cho Ban Kỷ luật để áp dụng việc "phạt thẻ nguội" các hành vi thiếu văn hóa hoặc hành vi bạo lực mà các trọng tài còn nương nhẹ hoặc không phát hiện được. Điều này đã góp phần giáo dục, răn đe cầu thủ, giảm phần nào hiện tượng bạo lực trong thi đấu...". Mặt khác, để kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ tiêu cực, VFF đã ký Quy chế phối hợp hoạt động phòng, chống tiêu cực trong bóng đá với Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an (C45).
Trong những vòng đấu cuối, LĐBĐ Việt Nam đề nghị công an các địa phương kiên quyết hơn trong việc xử lý các CĐV sử dụng pháo sáng, yêu cầu BTC các giải chủ động dự báo, ngăn chặn các nguy cơ mất an ninh, an toàn trong những lượt đấu quyết định thứ hạng của các đội. "LĐBĐ Việt Nam sẽ làm việc với C45 - Bộ Công an nhằm tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống tiêu cực. Ở những giai đoạn quyết định hoặc khi một số CLB đã hết động lực thi đấu, BTC với sự phối hợp của các lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an sẽ tăng cường công tác giám sát, quản lý hoạt động của cầu thủ, bảo đảm xếp hạng của giải phản ánh đúng trình độ và thực lực của các đội bóng" - đó là những nội dung quan trọng được đưa ra trong hội nghị sơ kết.
Đường hướng, biện pháp đã có, quan trọng là người trong cuộc sẽ thực hiện như thế nào? Còn với người hâm mộ, rất hy vọng được chờ nghe hai tiếng "thành công" thực sự khi mùa giải khép lại!