Chủ dự án “thoát xác”, nhà đầu tư trắng tay?
Bất động sản - Ngày đăng : 01:36, 23/06/2010
Gần 10 năm chờ dự án
Cuối năm 2001, theo quảng cáo của Công ty Sơn Tùng (có trụ sở tại 185C Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội, do ông Ngô Cao Sơn làm Giám đốc) về dự án nhà ở liền kề (LK11A, LK11B Khu ĐTM Mỗ Lao, phường Mộ Lao, Hà Đông), nhiều người dân đã tìm tới ký hợp đồng "Huy động vốn" để xây dựng nhà ở với Công ty Sơn Tùng. Bên A (người góp vốn) phải đóng trước một khoản tiền khoảng 50% giá trị hợp đồng. Khi nào bên B (Công ty Sơn Tùng) khởi công XD nhà, sẽ nộp nốt số tiền còn lại. Khi bên B xây dựng xong thì hai bên sẽ ký hợp đồng mua nhà (lúc đó tiền góp vốn sẽ trở thành tiền mua nhà). Chẳng hạn như ông Vũ Mạnh Hồng (quận Ba Đình) góp vốn 672 triệu đồng, bà Đào Lệ Hà (57 Hàng Nón) góp hơn 27 ngàn USD, bà Bùi Kim Khánh (Láng Thượng) góp 1,3 tỷ đồng), bà Trần Thị Thanh Thủy (Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng) góp gần 500 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Kim Dung góp 928 triệu đồng… và nhiều nhà đầu tư khác (người ít thì 2 tới 3 trăm triệu đồng, người nhiều thì hơn 1 tỷ đồng). Tổng số tiền "góp vốn" cho tới nay lên tới gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra, theo phản ánh của những người góp vốn, họ còn phải đóng thêm một khoản phí để làm thủ tục hoàn chỉnh giấy tờ về nhà đất (!?)… Để củng cố niềm tin với nhà đầu tư, trước khi ký hợp đồng, phía Công ty Sơn Tùng đưa ra bản đồ quy hoạch phân lô và hứa chỉ khoảng 1 tháng sau sẽ làm xong mọi thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng.
Khu đất dự án của Công ty Sơn Tùng nằm trong khu đô thị mới Mỗ Lao (Hà Đông). Ảnh: Quang Trung |
Lời hứa là vậy, nhưng sau 1 tháng, nhiều tháng và nhiều năm sau, Công ty Sơn Tùng vẫn không có đất cho dự án. Sau những bức xúc của những người góp vốn, ngày 13-4-2007, đại diện của Công ty Sơn Tùng có gặp gỡ các nhà đầu tư và cam kết đến cuối tháng 8-2007 sẽ hoàn tất thủ tục giao đất cho những người góp vốn. Song, qua năm 2007, đến hết năm 2008, cam kết này cũng không thực hiện được cho tới khi có những cá nhân khác "nhảy vào cuộc"…
Màn kịch "thoát xác" để trốn tránh trách nhiệm?
Hai nhân vật mới xuất hiện là các bà Đặng Thị Hải Đường (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa) và Phạm Thị Duy Hòa (phường Cát Linh, Đống Đa, nguyên kế toán trưởng Công ty Sơn Tùng). Theo đó, ngày 2-1-2009, tại số 28, ngõ 2, Cầu Bươu, ông Ngô Cao Sơn đã làm bản thỏa thuận với bà Đặng Thị Hải Đường và bà Phạm Thị Duy Hòa về việc giao toàn quyền quản lý Công ty Sơn Tùng cho bà Đặng Thị Hải Đường. Về phương diện tài chính, ông Sơn phải giải quyết mọi tồn tại về tài chính liên quan tới các cá nhân và tổ chức khác kể từ ngày 2-1-2009 trở về trước. Sau khi có quyết định giao đất dự án xây dựng khu nhà ở để bán tại 2 lô đất liền kề (LK11A - LK11B) tại Khu đô thị Mỗ Lao, bà Đặng Thị Hải Đường và bà Phạm Thị Duy Hòa chỉ có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí ban đầu đối với dự án. Ngày 12-8-2009, Công ty đã đăng ký thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh với 2 thành viên góp vốn mới là bà Đường và bà Hòa. Bà Đặng Thị Hải Đường được cử làm Giám đốc. Đương nhiên, để có được điều này mỗi bà phải bỏ ra 9 tỷ đồng (góp vốn mới), nhưng thực chất là để trả cho việc "rút vốn" của ông Ngô Cao Sơn và cô Ngô Thị Thủy Liên (con gái ông Sơn - 1 cổ đông lớn trong công ty).
Về vấn đề này, luật sư Dương Văn Hùng (Văn phòng luật sư Tuyết Nhung - Đoàn Luật sư Hà Nội), người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các cổ đông góp vốn, cho biết: - Bản chất của sự việc là ông Ngô Cao Sơn đã bán cả công ty lẫn dự án cho bà Đường và bà Hòa với giá 18 tỷ đồng. Thể hiện là trong cùng một ngày (6-8-2009), khi 2 bà (Đường và Hòa) vừa góp vốn 18 tỷ đồng (phiếu thu số 285 và 286), thì số tiền đó ngay lập tức đã được chi trả hết cho 2 bố con ông Sơn (phiếu chi số 222 và 223).
Tháng 3-2009, khi được UBND TP ra quyết định giao đất thì chỉ 6 tháng sau, ngày 22-9-2009, với cương vị Giám đốc Công ty Sơn Tùng, bà Đặng Thị Hải Đường đã đem toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của 5.105m2 đất nói trên thế chấp để vay Tổng Công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam 43 tỷ đồng. Tài sản thế chấp bao gồm: Quyền sử dụng 5.105m2 đất thuộc dự án khu nhà ở liền kề LK11A và LK11B và Tài sản hình thành trong tương lai (công trình cùng với các nâng cấp và BĐS khác được gắn liền hay tọa lạc vĩnh viễn trong khu đất trên…). Như vậy, theo hợp đồng thế chấp thì những ngôi nhà trong tương lai mà Công ty Sơn Tùng đáng ra phải XD để giao cho người góp vốn thì nay được đem đi thế chấp để vay tiền. Như vậy, nếu sau này Công ty Sơn Tùng không có khả năng thanh toán, giải chấp thì nghiễm nhiên các nhà đầu tư đã góp vốn sẽ bị thiệt hại nặng và có nguy cơ mất trắng số tiền đã đóng cho công ty…
Hiện tại, ông Ngô Cao Sơn (nguyên Giám đốc Công ty Sơn Tùng cũ) đã chết và những người đã góp vốn cho công ty trước đây đang hết sức hoang mang không biết bấu víu vào đâu. Trước nguy cơ tài sản, đồng vốn của mình đang bị chiếm dụng và không biết bao giờ mới lấy lại được, họ đã làm đơn gửi đi khắp nơi, kêu cứu. Để bảo vệ cho quyền lợi và tài sản chính đáng của người dân, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc để làm rõ sự việc, tránh để những hậu quả đáng tiếc xảy ra khi sự đã rồi…