Vai trò của lính thợ Đông Dương tại Pháp (1939 - 1952)

Đời sống - Ngày đăng : 14:57, 22/06/2010

(HNMO) - Sau hơn 60 năm im lặng, một trang của lịch sử thuộc địa ở Đông Dương đã được giở lại: đó là việc sử dụng, trong những điều kiện gần với chế độ nô lệ, nhân công “bản xứ” trên đất Pháp.

Hội thảo về những người lính thợ Đông Dương, tối 2/2/2010 tại Paris (Pháp). Nguồn: TTXVN


Thế chiến II bùng nổ, nước Pháp không những cần binh lính, mà còn cần những người thợ trong các xưởng vũ khí, để thay thế cho công nhân Pháp đã đi lính. Để làm những công việc cực nhọc, như trộn thuốc súng, năm 1939 nước Pháp đã đưa 20.000 người Đông Dương từ thuộc địa Đông Dương sang Pháp. Phần lớn bị tuyển mộ cưỡng bức chứ không phải có phần nào tự nguyện như khi tuyển lính bộ binh (mà thời đó ta quen gọi là lính tập hay lính khố đỏ).

Cập bến Marseille, họ bị đưa vào nhà tù Baumettes, rồi được phân bổ đi khắp nước Pháp đến những xí nghiệp thuộc ngành quốc phòng, để được gọi là “lính thợ không chuyên” - ONS. Bị kẹt lại ở chính quốc trong suốt thời gian nước Pháp thua trận, tuy không còn làm trong các nhà máy quân sự, nhưng họ vẫn bị nhốt trong những trại có kỷ luật rất nghiêm khắc, sức lao động trở thành món hàng của Nhà nước Pháp, cho các công ty công hoặc tư thuê, mà không được trả một đồng lương tử tế. Tình trạng đen tối đó vẫn duy trì rất lâu sau khi nước Pháp được giải phóng. Từ năm 1946 họ được đưa trở về Việt Nam một cách nhỏ giọt, và mãi đến năm 1952 những người cuối cùng mới được trở về tổ quốc. Trong khi đó khoảng một nghìn người đã chọn ở lại định cư tại Pháp.

Sau ba năm điều tra từ những vùng ngoại ô Paris và Marseille, cho đến Hà Nội và những làng quê hẻo lánh ở Việt Nam, Pierre Daum - nhà báo, tác giả cuốn sách "Di cư cưỡng bức – Những người lao động Đông Dương tại Pháp (1939-1952)" đã tìm được 25 nhân chứng cuối cùng còn sống để viết lại những trang cay đắng của lịch sử thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Nghiên cứu của Pierre Daum đã góp phần tác động đến thái độ của Nhà nước Pháp đối với những đóng góp của người lao động Đông Dương. Ngày 10 – 12 – 2009, tại thành phố Arles, miền Nam nước Pháp, chính quyền thành phố đã trao tặng huy chương cho những người lao động Đông Dương còn sống sót như một biểu hiện vinh danh những người lao động đã đóng góp vào sự phát triển của nước Pháp sau Thế chiến II và ngày nay.

Vào ngày 25/6 tới, tại Hà Nội, nhà báo Pierre Daum và nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Đào Hùng sẽ cùng nhau trao đổi về chủ đề “Lính thợ Đông Dương tại Pháp (1939 - 1952)”. Tọa đàm này nhằm mở lại một trang lịch sử từng bị che khuất trong quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. Cuộc tọa đàm do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Tạp chí Xưa và Nay và Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội phối hợp tổ chức.

H.H