Phòng, chống tai nạn sông nước cho trẻ em: Không thể thờ ơ

Xã hội - Ngày đăng : 07:19, 22/06/2010

(HNM) - Do nhận thức kém, do chủ quan nên không ít bậc phụ huynh để con mình đối mặt với sự nguy hiểm của sông nước. Và đây cũng là nguyên nhân chính lý giải tại sao 50% số tai nạn thương tích với trẻ em ở nước ta gây tử vong là do đuối nước.

Mùa hè, trẻ em tắm ở ao, hồ, mương máng là rất nguy hiểm. Ảnh: Đức Nghiêm


Theo thống kê tại 20 tỉnh, thành phố có số lượng trẻ tử vong cao do đuối nước năm 2008 thì Thanh Hóa có số tử vong cao nhất với 182 ca, (Hà Nội xếp thứ 3 với 156 ca tử vong). Lý giải nguyên nhân này, ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, hiện nhận thức về nguy cơ đuối nước và các biện pháp phòng tránh của các gia đình còn rất hạn chế. Ví dụ như vụ chết đuối ngay trong nhà tắm của cháu bé 9 tháng tuổi tại Hà Nội hồi đầu năm 2010. Sau khi có chuông điện thoại, người ông đã để cháu ngồi trong chậu tắm một mình. Và chỉ 2 phút sau, đứa bé đã úp mặt xuống nước, người tím tái và tắt thở.

Nghèo đói, trình độ học vấn thấp, thiếu sự giám sát được cho là yếu tố gây nguy cơ đuối nước. Trong đó, nghèo đói làm tăng nguy cơ một cách gián tiếp: bố mẹ để con ở nhà một mình không có ai trông nom; trẻ em phải lao động và nguy cơ đuối nước sẽ tăng lên khi làm việc gần sông, biển, ao, hồ. Một nguy cơ khác là cơ sở hạ tầng không phù hợp để có thể tiếp cận với các dịch vụ sơ cấp cứu cũng làm tăng thêm gánh nặng.

 Kết quả điều tra ở một số trường tiểu học ở Hà Tĩnh cho thấy, chưa đến 10% trẻ có thể bơi được 25m, mặc dù trẻ thường xuyên chơi đùa ở sông, suối, ao hồ. 84% trẻ bị đuối nước ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng là do không biết bơi, trong khi nhiều người dân ở đây sống trên sông nước, thế nhưng phần lớn không được trang bị áo phao và các thiết bị cứu hộ. Việc sử dụng mũ bảo hiểm và áo phao, va chạm hoặc lật thuyền, phà thường là nguyên nhân dẫn đến đuối nước (48,4%). Ngoài ra, yếu tố thuyền quá cũ và chở quá tải cũng là lý do quan trọng. Luật An toàn đường thủy có hiệu lực từ ngày 1-1-2005, nhưng trên thực tế việc thi hành luật vẫn có nhiều "lỗ hổng" như: lái tàu, thuyền không có bằng hoặc giấy phép; thuyền (phà) chất lượng thấp; thiếu các thiết bị an toàn đặc biệt là phao cứu hộ, thiếu nhân viên cứu hộ, không có lực lượng cứu hộ tuần tra... Những "lỗ hổng" này làm gia tăng tỷ lệ đắm tàu, cướp đi sinh mạng của nhiều người lớn và trẻ em.

Theo các chuyên gia, một phần rất quan trọng để cứu sống các trường hợp đuối nước là khả năng tiếp cận các dịch vụ điều trị và phục hồi chức năng. Người dân cần được trang bị những kiến thức sơ, cấp cứu cơ bản như hô hấp nhân tạo, chống sặc nước. Dạy bơi và tăng cường kỹ năng cho trẻ cũng là cách phòng tránh hữu hiệu... Hiện cả nước có 43 tỉnh, thành phố lập ban điều hành, 50 tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã xây dựng kế hoạch liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2009-2010 với 9 bộ, ngành, đoàn thể. Cứ mỗi khi hè đến cũng là lúc mùa đuối nước đến, nếu gia đình và xã hội vẫn tiếp tục thờ ơ thì sẽ còn nhiều cái chết đau lòng, oan uổng xảy ra do đuối nước.

Dung Nhi