Hàng loạt sai phạm, ai chịu trách nhiệm?

Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 22/06/2010

(HNM) - Là một cơ sở y tế điều trị những người bị bệnh tâm thần, trong đó có cả phạm nhân phải điều trị bắt buộc, nhưng Viện Giám định Pháp y tâm thần Trung ương (GĐPYTTTƯ) lại đề ra các quy định về điều trị hết sức lỏng lẻo, dẫn đến một số sai phạm trong thực hiện.

Bệnh nhân đang điều trị tại Viện GĐPYTTTƯ.


Viện GĐPYTTTƯ được thành lập trên cơ sở tách ra từ Bệnh viện Tâm thần TƯ 1 (thuộc Bộ Y tế) có trụ sở tại xã Hòa Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội). Trong số các bệnh nhân điều trị tại viện, có nhiều người là phạm nhân phải điều trị bắt buộc theo quyết định của các cơ quan tố tụng, song việc quản lý số đối tượng này lại không được thực hiện theo quy trình chuẩn. Ông Dương Văn Lương, cán bộ của viện khẳng định: Viện đã lợi dụng quy định của Bộ luật Hình sự là "thời gian điều trị bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù" cộng thêm với một số quy định tự đặt ra nên đã cho bệnh nhân nghỉ phép vô tội vạ. Có người sau khi đi phép đã không quay trở lại hoặc tự ý nghỉ thêm. Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra như bệnh nhân Nguyễn Đình Hiệp (Thanh Oai, Hà Nội) trong thời gian đi phép (được về nhà) năm 2009 đã tự sát; đối tượng Dư Kim Dũng (ở số 95, gác 2, Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) đã phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, thậm chí còn ra nước ngoài trong thời gian đi phép (đầu năm 2008)…

Lý giải về việc này, ông Phạm Đức Thịnh, Viện trưởng Viện GĐPYTTTƯ cho biết: Theo hướng dẫn của Thông tư liên bộ số 03 ngày 24-9-1997 và các quy định của viện, việc quản lý, điều trị người chữa bệnh bắt buộc thực hiện như đối với những người bệnh tâm thần khác nên bệnh nhân cũng được đi phép để tái thích ứng, hòa nhập xã hội. Mỗi đợt đi phép, bệnh nhân được nghỉ 15 ngày, nếu vào dịp tết thì viện "linh động" cho nghỉ thêm 5 ngày. Trong thực tế cũng có trường hợp đi phép quá hạn, nhưng viện đều có thông báo đến gia đình; khi nghỉ phép, người nhà bệnh nhân phải viết cam đoan, chịu mọi trách nhiệm về bệnh nhân nên viện không chịu trách nhiệm bởi viện chỉ là cơ sở chữa bệnh. Ông Thịnh cũng từ chối không cung cấp số liệu bệnh nhân đang đi phép và số người hiện đi phép quá hạn với lý do "phóng viên đến không báo trước nên không chuẩn bị (?)".

Trong khi đó, theo kết luận xác minh của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, chỉ trong 1 tuần, từ ngày 14-3 đến 20-3-2009, viện đã cho 25/72 bệnh nhân đi phép, trong số đó có đến 16 bệnh nhân diện bắt buộc chữa bệnh. Điều lạ là những bệnh nhân trong thời gian đi phép vẫn phải trả tiền giường 30.000đồng/ngày (ở khu điều trị tự nguyện) và điều này được hợp pháp hóa bằng Văn bản số 03 ngày 28-4-2008, quy định hoạt động của Ban Đời sống do viện tự soạn thảo? Một vấn đề nữa được ông Lương đặt ra là chuyện bớt suất ăn của người bệnh: Tiêu chuẩn ăn của bệnh nhân 10.000 đồng/ngày nhưng qua kiểm tra của Thanh tra Bộ Y tế (tháng 8-2009), có ngày mỗi bệnh nhân chỉ được ăn hơn 6.000 đồng? Ông Phạm Đức Thịnh giải thích là "ngày ăn nhiều bù ngày ăn thấp" chứ không phải cố tình?

Những nội dung này, ông Lương đã viết trong đơn tố cáo gửi lên cấp trên, đã được nhiều cấp có thẩm quyền kiểm tra, xem xét trả lời. Tuy nhiên, theo ông Lương, mặc dù trong kết luận giải quyết đơn, thư của các cơ quan chức năng đã khẳng định: "Quy chế làm việc và một số quy định khác như quy định đi phép của bệnh nhân, quy định thu tiền giường của bệnh nhân nghỉ phép, định lượng thực đơn cho người bệnh... chưa được xây dựng phù hợp với chức năng nhiệm vụ của viện" nhưng lại không chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của những cá nhân liên quan, khiến ông chưa "tâm phục khẩu phục".

Như thế, việc khiếu nại ở Viện GĐPYTTTƯ vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Đề nghị Bộ Y tế, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 sớm kiểm tra lại nội dung đã giải quyết và có kết luận cuối cùng, vừa để chấm dứt khiếu nại kéo dài, vừa nhằm chấn chỉnh, thắt chặt hơn nữa hoạt động quản lý, điều trị các đối tượng chữa bệnh bắt buộc tại đây.

Thiện Mỹ