Nghề nguy hiểm

Thế giới - Ngày đăng : 07:49, 21/06/2010

(HNM) - Nghề báo là một trong những nghề vinh quang nhưng cũng đầy hiểm nguy. Một nghiên cứu gần đây do Tổ chức CareerCast (Mỹ) tiến hành đã xếp nghề báo nằm trong số 25 công việc nguy hiểm nhất thế giới năm 2010.

Theo số liệu của Viện Quốc tế An toàn Tin tức (INSI) - cơ quan quốc tế bảo vệ các nhà báo trên thế giới - từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 42 nhà báo tại 22 nước bị sát hại. Tháng 4 vừa qua là tháng đẫm máu nhất đối với nghề báo trong 5 năm qua, với 17 nhà báo bị sát hại. Ông Rodney Pinder, Giám đốc INSI kêu gọi: "Mỗi trường hợp nhà báo bị sát hại đều cho chúng ta thấy nhu cầu bức thiết phải hành động không chỉ đối với các nước có liên quan mà còn trên phạm vi toàn cầu".

Phóng viên Reuters Hiro Muramoto vừa tử nạn tại Thái Lan.

Những năm gần đây, Iraq luôn dẫn đầu danh sách "điểm đến" nguy hiểm nhất đối với các nhà báo. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Iraq do Mỹ khởi xướng đến năm 2007, đã có hơn 250 nhà báo khắp nơi trên thế giới bị thiệt mạng tại đất nước này. Tuy nhiên, số liệu của Hiệp hội Báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) cho biết, năm 2009 Philippines đã nổi lên như là "địa chỉ" nguy hiểm nhất đối với báo giới, mà điển hình là vụ thảm sát 31 nhà báo ở nước này trong tháng 11-2009.

WAN - IFRA chỉ ra rằng, số nhà báo thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ năm 2009 đã lên mức kỷ lục, với 99 người. Con số này cho thấy, những mối hiểm nguy đối với nhà báo vẫn không ngừng tăng lên. Đáng chú ý, Somalia và Mexico đã trở thành địa chỉ nhiều rủi ro, nguy hiểm thứ hai đối với các nhà báo, với con số nhà báo thiệt mạng tại hai quốc gia này trong năm 2009 là 9 người. Trong khi đó, năm 2009, tại Pakistan đã ghi nhận 8 trường hợp phóng viên thiệt mạng. Còn 2 quốc gia Iraq và Afghanistan vẫn tiếp tục là những "điểm đến chết chóc" đối với giới nhà báo trong năm 2009, tuy số liệu ghi nhận được tổng số các nhà báo bị sát hại tại hai chiến trường này trong năm đã giảm xuống còn 6 người.

Thật ngạc nhiên khi Nga cũng là một trong những nước đứng đầu danh sách các quốc gia nguy hiểm đối với nghề báo. Theo thống kê của Hội Nhà báo LB Nga, từ năm 1993 đến 2009 đã có hơn 250 nhà báo Nga ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ. Phần lớn trong số họ bị giết theo "đơn đặt hàng". Chủ tịch Hội Nhà báo của LB Nga Vsedoloda Bogdanova cho biết, con số các nhà báo bị giết hại trên thực tế ở quốc gia này còn nhiều hơn và chỉ khoảng 20% số vụ ám sát các nhà báo được phanh phui.

Theo đánh giá mới đây của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) - một tổ chức độc lập bảo vệ các nhà báo, năm 2009 là năm tồi tệ nhất kể từ khi ủy ban này bắt đầu làm thống kê về số nhà báo thiệt mạng từ cách đây 30 năm. Phía sau những bức ảnh, những tờ báo mà độc giả khắp thế giới cầm trên tay, có cả máu và nước mắt. Thế nhưng, cho dù con số nhà báo bị giết hại đang tăng theo từng năm. Ở đâu có chiến sự, ở đó, các nhà báo luôn có mặt sớm nhất để đưa tin. Trong đó, không ít trường hợp nhà báo bị trả thù, bị đánh đập dã man, bị thủ tiêu trong lúc tìm cách đưa ra ánh sáng tội ác và tham nhũng. Bất chấp mọi hiểm nguy phải đối mặt, nhiều nhà báo vẫn can đảm xông pha vào những nơi hiểm nguy để theo đuổi sự nghiệp được mệnh danh là "chim báo bão thời đại" của mình.

Để ghi nhận công lao của các nhà báo, tháng 6-2008, Đài tưởng niệm quốc tế vinh danh những nhà báo hy sinh đã được khánh thành tại thủ đô London (Anh) với sự có mặt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. Đây là một công trình điêu khắc hình nón làm bằng kính và thép được đặt trên nóc tòa nhà trụ sở của Hãng tin Anh BBC tại trung tâm thủ đô London. Mỗi đêm, dài tưởng niệm này chiếu một luồng ánh sáng cao khoảng 1km lên bầu trời lúc 22 giờ, trong khoảng 30 phút để tưởng niệm các nhà báo trên thế giới đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Vũ Anh