Hà Nội trong tôi

Xã hội - Ngày đăng : 07:18, 21/06/2010

(HNM) - “Dù có đi bốn phương trời/Lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Ca từ ấy, giai điệu ấy nhạc sĩ dành cho ai? Cho người Hà Nội, cho tất cả những ai đã tới Hà Nội và cảm nhận được Hà Nội. Cảm nhận được cái “hồn cốt Hà Nội”.

Thiếu nữ Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm


Hà Nội có hồ Hoàn Kiếm nước xanh trong như ngọc lục bảo với huyền thoại thiêng Cụ Rùa. Có chợ Đồng Xuân hội tụ hàng hóa trăm miền. Có 36 Phố Hàng… chuyên doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề. Hà Nội có vườn Bách Thảo cùng núi Nùng quanh năm xanh. Có các hồ Tây, Trúc Bạch, Thiền Quang đẹp như tranh thủy mặc gọi sâm cầm về trú ngụ. Hà Nội có hàng ngàn cây cổ thụ vài trăm tuổi; có những dãy phố thơm nồng dạ hương và có cả dãy phố cây sao đen cao vút dụ cò về làm tổ. Và hoa sữa, hoa bằng lăng đã đi vào thi ca đặc trưng nét Hà Thành… Đó là một Hà Nội nhìn thấy.

Còn có một Hà Nội cảm thấy: Cốt cách con người. Định nghĩa thì không thể, nhưng có thể cảm nhận. Một nhà phê bình mỹ thuật đã cảm nhận về tranh vẽ thiếu nữ Hà Nội như sau: “… Đó là bước đi khoan thai, cách ngồi ý tứ, hành xử kín đáo. Đó là gương mặt hiền thục nhưng không dễ chinh phục, gần ngay đấy mà còn xa biết bao nhiêu, đôi mắt mờ tỏ như cửa sổ khép hờ. Và đôi môi xinh, nếu có nói thì chỉ nói nửa lời phấp phỏng. Dẫu có khoác lên người thiếu nữ ấy bộ áo dài  lụa  tơ  tằm truyền thống, hay yếm đào váy sải, hoặc giả là bộ đầm công chức hiện đại, thì vẫn là cái dáng dấp của cô gái Hà Thành”.

Năm Truyền hình Hà Nội ra đời, ông Giám đốc đài giao cho tôi phải tìm tuyển một người dẫn chương trình “toát lên sắc thái Hà Nội”. Và tôi đã tìm chọn được một cô gái “toát lên là người của Hà Nội 36 phố phường”. Được khán giả khen thế, làm gì chả vui, vui và đâm ra hiểu thành phố của mình hơn.

Người Hà Nội quý trọng sự lịch lãm, giản dị nhưng tao nhã, tự trọng mình và tôn trọng người. Người Hà Nội lấy sự giáo dưỡng trong gia đình làm gốc - gia giáo, gia phong - trước khi nhờ tới nhà trường và xã hội. Từ “đường ăn” đến “nhẽ ở” luyện rèn thói quen tốt, chăm chỉ, cần kiệm, không tiêu quá tiền kiếm được. Dành dụm non nửa phòng khi bất trắc. Nhà văn Vũ Trọng Phụng đã mô tả hai thày cảnh sát Min-đơ (1002) và Min-toa (1003) đi tua suốt ngày trên đường phố mà không bắt phạt vi cảnh được một ai. Người Hà Nội một thời là thế. Gia giáo là nét tiêu biểu. Lứa tuổi cha mẹ tôi, ông bà tôi, việc hôn nhân phần lớn là xếp đặt, rất ít tự lựa chọn. Vậy mà phần lớn họ có Lễ cưới Bạc, trời cho khỏe mạnh có thêm Lễ cưới Vàng, tự hào với bạn bè và cháu con, là họ đã có đỉnh 25 năm hôn nhân bền vững, 50 năm hôn nhân bền vững.

Người Hà Nội không nói những lời thô. Giận cũng không nói lời làm tổn thương nhau. Vì thế không có hận để đời. Một bà mẹ phố tôi ở, học vấn chỉ đọc thông viết chưa thạo mà dạy con mình toàn dùng châm ngôn, ngạn ngữ và lời thánh hiền. Thấy con mình chưa ngoan như mong đợi, bà buồn bã than: “Thật phí hoài nhời. Dạy con mình mà con hàng xóm khôn!”. Dạy con mà cũng không xúc phạm nhân phẩm, chỉ đủ để kích động lòng tự ái của con. Và có hiệu quả. Cả một lớp người giúp việc ngày xưa vì được ông bà chủ bác ái mà không phản chủ. Con cháu, ông bà chủ tận bây giờ vẫn còn nhắc nhớ tới những cô Thắm, cô Mơ, vú nuôi Hồng… một thời gắn bó với gia đình. Và lo, không biết giờ họ sống ra sao?

Một thời người Hà Nội là sự ngưỡng mộ có phần nể vì trong con mắt những người ở các vùng quê khác. Họ trầm trồ: “Nhìn đã biết là người Hà Nội!”, có lẽ là ở như cốt cách: Đi đứng - ăn - nói - ứng xử - lòng nhân hậu. Một người ở liền mạch phố tôi, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm được Tổ quốc kêu gọi lên Cao Bằng xa lắc dạy học, cho tới khi nghỉ hưu mới trở về sống ở căn nhà cũ gần 50 năm trước đã từ đó ra đi, mà ông vẫn giữ đậm sánh cốt cách người Hà Nội. Nhiều bậc cha mẹ các miền quê khác từng hãnh diện khoe với hàng xóm “Cháu gái nhà tôi lấy chồng Hà Nội”, hoặc “Cảm ơn ông bà hỏi thăm. Cháu trai nhà tôi cưới vợ Hà Nội năm ngoái rồi ạ!”.

Cốt cách người Hà Nội không chỉ có ở gia đình trí giả, bậc trung lưu mà có cả ở lớp người cần lao mà lòng nhân vị. Bà bán xôi sáng trước cổng trường tôi bao giờ cũng gọi học sinh là “cô học trò - cậu học trò”. Bác xích lô khẽ cúi đầu nói lời cảm ơn khi nhận tiền khách trả. Chị bán hàng rong trên phố vui vẻ lễ phép mời “ông bà, cậu mợ mua hàng cho nhà cháu”. Ngay cả những người bán hàng ở chợ cũng hiếm khi nói lời đanh đá khó nghe khi mới sớm mai mở hàng gặp phải người khách mặc cả giá từng hào.

 Hà Nội trong tôi là những ký ức mảnh. Kỷ niệm lãng đãng nhưng ấn tượng lâu bền. Xem một triển lãm hình ảnh gần đây về Hà Nội một thời, tôi chộn rộn nhớ một quãng tuổi học trò. Những ngày hè rủ trẻ hàng phố ra đài phun nước trước hiệu kem Long Vân Hồng Vân - chỗ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - nhảy tàu điện bát nháo chi khươn một tua, lại về ga cũ Bờ Hồ, suỵt soạt mút vài cây kem que Thủy Tạ hoặc Hồng Vân. Những đêm Rằm Trung thu tụm nhau chạy cờ đánh trống cho các anh lớp trên đi múa sư tử trước cửa các hiệu buôn có lòng hảo tâm quý trẻ. Công kênh nhau vừa múa vừa lượn vờn, thè cái lưỡi sư tử ngước lên đớp đớp cái phong tiền nhà chủ treo thưởng trễ dưới mép ban công tầng hai. Được rồi thì hả hê lăn đùng ngã ngửa vỗ tay cười tớ phớ. Rồi cùng bạn học đi cắm trại ở núi Nùng - Bách Thảo. Hoặc đạp xe long rong dọc triền đê Yên Phụ có rặng ổi trĩu quả xanh chạy dài vài cây số. Lên lớp trên nữa, thích có bạn gái mà lại nhát. Bọn tôi có ba người, bất chợt tăm tia được ba chị em gái trong buổi tan trường mà nhà họ có cửa hàng bán họa phẩm. Chúng tôi đang cùng học một lớp vẽ, bèn rủ nhau tuần ba lần đến cửa hàng đó mua, khi chiếc bút chì 6B, 12B, khi thỏi than, khi tờ giấy vẽ, khi cục tẩy. Háo hức mong gặp các cô gái bán hàng. Mà oái oăm, phần lớn lại là gặp bà mẹ. Mua rồi cứ loanh quanh ngóng đợi. Bà mẹ thấy lạ, hỏi: “Các cậu còn muốn mua gì không?”. Giật mình “Dạ không ạ”, cứ như bà đi guốc trong bụng mình.

Học hành đỗ đạt rồi phải đi xa Hà Nội. Chẵn một tuổi thanh xuân. Mang theo ấp ủ những kỷ niệm nho nhỏ nhớ yêu như thế. Những năm đầu nhớ Hà Nội cháy lòng. Một năm mong mười ngày nghỉ phép để về Hà Nội. Khi xe lửa chạy đêm đến ga Gia Lâm hú một hồi còi dài là lúc lòng chộn rộn cảm xúc sắp về đến nhà mình. Ló đầu ra ngoài khung cửa thấy một vùng trời sáng trưng. Lô xô những tầng lớp đèn. Con tàu băng trên cầu Long Biên là lúc xốn xang nhất. Những ngọn đèn cùng những nhịp sắt vụt cắt ngang vun vút qua ô cửa toa tàu loang loáng như xinê. Hương ngô trên con bơn (bãi phù sa) sông Hồng trộn trong gió và hơi nước phả vào mặt, vào mũi thơm ngào ngạt, mát lịm. Đã ở giữa lòng Hà Nội.

Hà Nội ngày ấy là Hà Nội ba vạn dân. Không phải chen lấn trong những đêm xuống đường xem bắn pháo hoa hoặc ngày xuống đường xem tuần hành lễ hội. Hà Nội bây giờ dân số nội đô đã là ba triệu. Đất chật người đông. Kẹt xe liên miên. Hàng quán bày chệnh ệnh kín vỉa hè. Người người hối hả như sống gấp, cho riêng mình. Người thích chuyển cư đến Hà Nội hoặc do yêu cầu của công việc, chắc đều từng yêu quý và đang yêu quý Hà Nội, nhưng lại chưa sẵn lòng hòa theo nếp sống văn hóa Hà Nội, sẵn lòng cho một Hà Nội thanh lịch, văn minh ở thời đại mới.

Nơi phố tôi ở năm 1131 vua Lý Thần Tông sai dựng nhà cho Quốc sư Minh Không, nay là chùa Lý triều Quốc sư, chỉ dụ còn ghi địa danh là làng Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương. Tức là 121 năm sau khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La (Tháng Bảy năm Canh Tuất - 1010) nơi đây vẫn còn là nhà quê. Dăm bảy trăm năm sau nó đã trở thành một trung tâm với khu buôn bán, sau này là 36 phố phường. Cư dân của nó nổi tiếng cốt cách Hà Nội. Vậy là người nhà quê và dân Kẻ Chợ thời Thăng Long nếu ý thức được cốt cách người Hà Nội là có thể dựng xây cho Hà Nội một bản sắc văn hóa Hà Nội không giống các vùng miền khác. Nhiều trí giả, học giả nghiên cứu văn hóa Hà Nội, góp phần xây dựng nên phông văn hóa người Hà Nội, được mệnh danh nhà Hà Nội học, nhà Văn hóa Hà Nội, mà người người cứ tưởng các cao nhân đó là người Hà Nội lâu đời, thực ra họ chuyển cư từ Nghệ An, Thanh Hóa ra, từ Nam Định, Hải Dương lên nhiều nhất cũng mới có ba, bốn đời.

“Dù có đi bốn phương trời/Lòng vẫn nhớ về Hà Nội!”. Ca  từ ấy, giai điệu ấy mong là mãi mãi sống trong lòng mỗi người Hà Nội.

Khiếu Quang Bảo