Nhà báo Đỗ Phượng: “Giữ cho tim nóng, đầu lạnh!”

Văn hóa - Ngày đăng : 06:33, 21/06/2010

(HNM) - Thật vui mừng vì đến nay, vào dịp kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhiều nhà báo lão thành, nhân chứng lịch sử của đất nước, của nền báo chí cách mạng Việt Nam, vẫn tâm huyết ghé vai đồng hành cùng lớp trẻ.

Nhà báo Đỗ Phượng


Chuyện của chủ báo 18 tuổi

- Thưa nhà báo Đỗ Phượng, ông đã từng được giao nhiệm vụ phụ trách một tờ báo đảng của địa phương khi mới 18 tuổi. Xin nhà báo chia sẻ với bạn đọc kỷ niệm của "thuở ban đầu" ấy?

- Thế hệ nhà báo thời đó được phân công theo yêu cầu cách mạng, vừa học vừa làm, trưởng thành trong công tác. Tôi cũng vậy, chưa học xong cấp II (chưa tốt nghiệp chương trình 10 năm thời thuộc địa), tham gia Tổng Khởi nghĩa Tháng Tám, làm tuyên truyền, công tác thanh niên, được phân công vào lực lượng vũ trang, tham gia chiến đấu, làm Trưởng ban Quân sự Tỉnh đội Hải Dương… và bắt đầu làm tờ báo Đảng của tỉnh Hải Dương. Ở tuổi 18, được giao nhiệm vụ chủ báo cũng là chuyện chỉ có ở trong thời kỳ cách mạng.

Tờ báo ấy, hai số đầu phát hành suôn sẻ. Số thứ 3, Bí thư Tỉnh ủy cầm báo, nói: "Anh có biên tập bài tản văn này không? Cán bộ nữ bỏ quấn khăn để búi tóc, cạo răng đen để làm răng trắng, bỏ váy mặc quần… là biểu hiện tiến bộ, chứ không thể nói người ta biến chất". Tôi nhận ra lỗi của mình, cũng chỉ vì thích cái lối viết đôi chút bông đùa của tác giả này, song "đùa" ở ngoài thì được, chứ đưa lên báo Đảng thì không nên. Định sang xin lỗi các chị, song Bí thư Tỉnh ủy bảo: "Khỏi cần. Cách xin lỗi tốt nhất là số tới đăng các tấm gương cán bộ phụ nữ vừa công tác, vừa chiến đấu, đảm đang việc nhà".

Tôi nghĩ, phải chăng chính sự nhạy bén chính trị, quan điểm tiến bộ khiến người phê bình tôi đã trở thành người thầy của tôi.

Bác Hồ và những người thầy của nghề báo
- Thưa nhà báo, ông vừa nhắc tới vai trò người thầy với những nhà báo mới vào nghề. Bạn đọc có thể được biết rõ hơn về những người thầy trong đời làm báo của ông?

- Trong một lần gặp gỡ nhiều nhà báo quốc tế ở Hà Nội năm 1966, họ đều có lời chúc: Các bạn thật hạnh phúc khi được làm báo bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp… Các vị ấy đều là những bậc thầy của nghề báo.

Nhưng, như Bác Hồ vẫn nói, các bạn còn chưa biết được những người thầy vô danh của chúng tôi, đó là những người dân bình thường, những chiến sĩ dân công mà phần lớn thời đó còn mù chữ, chưa đọc thông viết thạo… Người Việt Nam quan tâm với thời cuộc, đó là nguồn cổ vũ lớn nhất dành cho người làm báo. Nhờ họ, chúng tôi biết phải làm báo như thế nào. Đầu năm 1950, tôi nhận nhiệm vụ mới ở tờ Cứu Quốc. Nhà văn Bùi Huy Phồn cùng nhiều người khác đã giải thích cho tôi một cách sâu sắc về các thể loại báo chí; công nhân nhà in thì chỉ cho cách xếp chữ, lên trang, cách làm ảnh…

- Đó thực sự là bài học cho thế hệ các nhà báo hôm nay. Tuy nhiên, được gặp, được làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà báo lớn thì không phải ai cũng có dịp. Xin ông chia sẻ một kỷ niệm về nghề báo gắn liền với Bác Hồ?

- Một lần, được giao viết "hịch tướng sĩ" để Bác đọc trong hội nghị chính trị đặc biệt, tôi viết liền hai tuần. Hội nghị xong, các chị đánh máy nói: "Sướng nhé, viết bài được Bác đọc hết". Nào ai biết đâu một từ "thưa gửi" mà mình chuẩn bị cũng không có trong bài nói của Bác. Thế mà lạ thay, hôm ấy nghe Bác nói mà như bị hút hồn, lời chân thành, giản dị, thấm vào lòng người, quên hết cả việc không được Bác dùng chữ nào!

Sau đó, tôi viết cho anh Phạm Văn Đồng bài "Bình Mỹ Đại cáo", được dùng một ít. Chuyện phàn nàn bị sửa bài đến tai anh Phạm Văn Đồng. Lúc giải lao, anh gọi tôi ra, bảo: "Này, tôi kể anh nghe, một lần tôi chuẩn bị bài cho Bác nhưng đến nơi thấy Bác đang đánh máy bài nói. Tôi trình bày với Bác là tôi viết rồi. Bác bảo đúng rồi, chú viết cho Bác rồi. Thủ tướng viết rồi. Còn đây là việc của Chủ tịch. Bác vẫn dùng bài tôi, nhưng để tham khảo cho bài nói của Bác".

Vì vậy, cái chuyện "không được Bác dùng chữ nào" đã khiến tôi hiểu thêm về một nhà báo lớn.

Nói với thế hệ sau
- Với kinh nghiệm làm báo lâu năm, ông có thể chia sẻ điều gì với lớp nhà báo hôm nay?

- Nhà trường cung cấp tri thức cơ bản. Nhưng nghề báo, cả nhiều nghề khác, từ học vấn nhà trường đến cuộc sống là một khoảng cách. Tôi chia sẻ với các bạn khó khăn của việc làm báo hôm nay: một sự kiện xảy ra, khen hay chê không phải là việc dễ dàng, vì vậy rất khó đòi hỏi các nhà báo vừa ra trường phải đáp ứng yêu cầu công việc được ngay. Có đợt, tôi tuyển mấy chục sinh viên về, cho làm bài thử. Đọc xong, tôi quyết định thành lập một bộ phận riêng, chỉ định Đỗ Lê Châu (vừa ở Mỹ về) phụ trách nhằm bồi dưỡng những cá tính riêng. Bởi nếu vào việc ngay rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng viết trăm bài như một, tròn trịa nhưng không dấu ấn. Kinh nghiệm làm báo cho tôi biết, có những người viết phải có tí châm chọc, có những người từ đầu tới cuối là nghiêm túc, thậm chí có người chuyên viết kết luận trước. Điều quan trọng nhất là chú ý tới những người viết có phong cách, tìm tòi cái mới.

Là người quản lý, tôi nhận thấy trách nhiệm trước phóng viên là rất quan trọng, đừng để phóng viên mất lòng tin. Khi đã mất lòng tin vào công việc, tất hiệu quả sẽ hạn chế. Người phóng viên thì không được chủ quan, nhưng phải tự tin, hiểu điều mình định làm và làm thì chớ vội vàng.

Làm báo là làm nhiệm vụ cách mạng. Lời cuối tôi muốn nhắn gửi dịp này là hãy giữ cho "tim nóng, đầu lạnh"!

- Xin chân thành cảm ơn nhà báo và kính chúc ông sức khỏe!

Thi Thi