Dự án Phát triển GTĐT Hà Nội: Tập trung đẩy nhanh tiến độ
Xã hội - Ngày đăng : 06:27, 21/06/2010
Tuyến đường từ Nguyễn Trãi đi Ba La sẽ được cải tạo để phù hợp với dự án xây dựng tuyến xe buýt nhanh. Ảnh: Thái Hiền |
Trên 452 triệu USD phát triển giao thông Hà Nội
Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội có tổng mức đầu tư 452,42 triệu USD (tương đương 7.238 tỷ đồng), trong đó 134 triệu USD là vốn vay WB, phần còn lại là vốn đối ứng trong nước và hỗ trợ kỹ thuật, do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Các hạng mục chính của dự án gồm: xây dựng hai tuyến xe buýt nhanh (BRT), đường Vành đai 2 (đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy), xây dựng khu tái định cư tại huyện Từ Liêm…
Ông Đỗ Đức Huân, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư phát triển giao thông đô thị (Sở GTVT) cho biết: Tính đến thời điểm này, đoạn tuyến BRT từ Bến xe Kim Mã đến Khuất Duy Tiến (dài 5,1km) đã có kết quả thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật phần kết cấu mặt đường và phần tổ chức giao thông. Đơn vị tư vấn đang hoàn chỉnh hồ sơ, dự kiến sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt trong tháng 6-2010, phấn đấu khởi công xây dựng trong tháng 12-2010. Đơn vị tư vấn cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ phần thiết bị, thân xe BRT và các thiết bị bảo dưỡng tại ga đềpô Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) để trình Sở GTVT thẩm định, phê duyệt. Các khâu khác như vé thẻ, đèn tín hiệu, thông tin liên lạc, quản lý đội xe và thông tin hành khách đang được tập trung triển khai. Toàn bộ công tác này dự kiến sẽ phê duyệt trong tháng 6-2010 và tổ chức đấu thầu từ tháng 7-2010. Cũng từ tháng 7-2010 sẽ tổ chức đấu thầu các hạng mục công trình kiến trúc (nhà chờ trên tuyến, ga đềpô, trạm trung chuyển Kim Mã, Khuất Duy Tiến, bến đầu cuối Yên Nghĩa).
Đoạn điều chỉnh làn tuyến BRT từ Khuất Duy Tiến đến Ba La (dài 6,3km) dự kiến thẩm định, phê duyệt xong trong quý III-2010; đoạn tuyến BRT kéo dài từ Ba La đến Bến xe Yên Nghĩa (dài 2km) đang chuẩn bị trình TP thẩm định phê duyệt chỉ giới đường đỏ. Dự kiến công tác này sẽ xong trong quý IV-2010.
Đối với hợp phần đường, theo Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hoàng Linh, công tác thiết kế kỹ thuật đường Vành đai 2 (dài 6,4km từ Nhật Tân đến Cầu Giấy), Sở đang chỉ đạo tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật cho đoạn 2km đầu tuyến từ Nhật Tân đến Xuân La để có thể tổ chức đấu thầu và khởi công trong quý IV-2010…
Khẩn trương xây dựng nhà tái định cư phục vụ GPMB
Ông Đỗ Đức Huân cho biết, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) sau những khó khăn, vướng mắc ban đầu nay đã chuyển biến tích cực. Tại vị trí ga đềpô và điểm đầu cuối BRT tại xã Vĩnh Quỳnh, Ban đang phối hợp với UBND huyện Thanh Trì tiến hành điều tra, đo đạc, phấn đấu hoàn thành khoảng 40% khối lượng đo đạc và lập phương án trong năm 2010. Bến trung chuyển Kim Mã, đã công khai phương án bồi thường, GPMB. Dự kiến sẽ phê duyệt phương án, trả tiền đền bù và thu hồi đất xong trong quý III-2010. Công tác GPMB tại quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình và Đống Đa đang được tập trung quyết liệt. Trong đó, riêng quận Tây Hồ dự kiến sẽ hoàn thành thu hồi khoảng 70% diện tích đất trong năm nay. Về xây dựng khu tái định cư, các nhà thầu đang thi công phần tầng hầm khối nhà CT1A, CT1B và CT1C (thuộc xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm). Theo thiết kế, các khối nhà này cao từ 14 đến 17 tầng với tổng cộng 556 căn hộ.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đánh giá, thời gian qua, công tác triển khai các hạng mục BRT và hợp phần đường cũng như GPMB, bố trí tái định cư còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu. Đây là công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô và có ý nghĩa quan trọng trong phát triển giao thông đô thị. Do đó, Sở GTVT và Ban QLDA Đầu tư phát triển giao thông đô thị cần đẩy nhanh tiến độ trong các khâu từ thiết kế kỹ thuật, phê duyệt chỉ giới đường đỏ để sớm khởi công dự án; rà soát toàn bộ dự án theo nguyên tắc hiệu quả và tiết kiệm. Với một số hạng mục, các sở, ngành liên quan chủ động phối hợp, tránh tình trạng dự án bị đình trệ kéo dài. Sở GTVT cần chủ động hơn trong việc phối hợp với các quận, huyện đề xuất phương án GPMB, đẩy nhanh thi công các khối nhà phục vụ tái định cư. Khi bắt đầu di dân, nếu vẫn chưa kịp có quỹ nhà, TP cho phép chủ đầu tư bố trí tạm cư cho dân bằng tiền hoặc sử dụng quỹ nhà tạm cư của TP để bảo đảm tiến độ dự án.