Những bài thi “lạ”

Giáo dục - Ngày đăng : 07:03, 20/06/2010

(HNM) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT nào cũng vậy, dường như những câu văn lạ lẫm, ngây ngô đã không còn là chuyện... bất thường. Vì chẳng năm nào khác năm nào, trong hầu hết các môn thi đều có những bài làm "lạ". Vì sao?

Nguyễn Vũ Thanh Hương, lớp 10 Trường Trần Phú

Theo chúng em tìm hiểu thì những trường hợp như vậy không nhiều, chỉ là "hạt sạn" thôi. Tuy nhiên, là hạt sạn thôi thì cũng cần phải bàn đến để nó không còn tồn tại trong các kỳ thi nữa. Theo em biết trong đợt thi vừa rồi có khoảng 10% học sinh không hiểu đề để phân tích nổi bật tình yêu lớn lao trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Thậm chí, có bài làm rất buồn cười như: "Nguyên nhân có sóng lúc ồn ào lúc dịu êm là do có một con khỉ, dạng như Tôn Ngộ Không ở trong một cái động, nhảy xuống biển và làm cho biển nổi sóng dữ dội". Hay trong môn lịch sử có bài viết: "Pháp gửi tối hậu thư yêu cầu ta trao quyền sát sinh cho chúng" thay vì: "...Trao quyền kiểm soát cho chúng".

Hoàng Anh Tuấn, lớp 11 Trường Chu Văn An

- Có thể khẳng định những bạn làm bài như vậy là những bạn không chịu học bài, rèn luyện. Và không chỉ có thế, cách trình bày mạch lạc, câu văn chuẩn (chưa nói đến hay) bây giờ cũng là "vấn đề" của nhiều học sinh Không tin "Mỗi tuần..." đọc thử một bài trình bày bất kể của môn gì sẽ thấy ngay nó như khẩu ngữ chứ không phải văn viết. Ví dụ: "Muốn bảo vệ môi trường, phải đổ rác đúng nơi quy định, chứ không được ăn chuối xong lại vứt vỏ ra đường. Ăn kem xong lại vứt que ra đường làm nhiều cô công nhân đi quét rác rất mệt, rất vất vả vì quét rác suốt ngày...". Bản thân em, ít nhất cố gắng rèn luyện để không mắc lỗi như vậy mà trước hết phải "chuẩn" về ngữ pháp. Sau đó mới tính đến chuyện hay, hấp dẫn.

Cái gốc là ở giáo viên

Bên cạnh việc học sinh không chịu khó học bài, rèn luyện còn có trách nhiệm của giáo viên. Trách nhiệm này cần phải nói đến đầu tiên và coi nó quan trọng nhất trong việc vì sao học sinh không biết viết văn (tạm gọi như vậy). Không phải là tự "vạch áo cho người xem lưng" nhưng có một điều đáng buồn là không ít giáo viên dạy văn nhưng lại viết văn đúng như tình trạng của các em lủng củng, sai ngữ pháp, chính tả... Chỉ có điều họ không "phạm" lỗi viết ngây ngô, buồn cười như các em. Và khi đứng trên bục giảng người dạy còn như vậy thì ngồi dưới học sinh viết văn ngớ ngẩn, thô thiển chắc chắn là xảy ra rồi. Tiếp đến là trình độ sư phạm. Ví dụ ngữ pháp, gần như đã trở thành công thức, dạy các em những công thức đó không khó, nhưng khó ở chỗ rèn thật nhuyễn rồi thể hiện được công thức đó thành câu chữ mới là khả năng cần nói đến của giáo viên. Thực hiện được điều này buộc giáo viên phải tận tụy, sát sao đối với học sinh.

(Nguyễn Thanh Hương, giáo viên dạy văn tại trường THCS).

Nguyễn Xuân Bách