Phim truyền hình: Dịch chuyển “thị phần”?
Giải trí - Ngày đăng : 07:01, 20/06/2010
Vì sao họ “nhường sân”?
Vì sao những đơn vị như TFS và VFC với bề dày kinh nghiệm cùng đội ngũ chuyên nghiệp từ đạo diễn, quay phim, họa sĩ thiết kế... và đã sản xuất rất nhiều phim được khán giả yêu thích, thậm chí gây “sốt” được khán giả đón đợi lại “bỗng dưng nhường sân” cho các đơn vị xã hội hóa? Ở góc độ kinh tế, “nhường sân” đồng nghĩa với “miếng cơm manh áo” bị san sẻ? Trước hết, việc các đài liên tục mở nhiều khung “giờ Vàng phim Việt” ở các kênh đã dẫn đến cần một lượng lớn phim Việt mới sản xuất. Trong khi đó, có những đơn vị tư nhân có mặt ngay từ những ngày đầu nhà đài kêu gọi làm phim giờ Vàng, họ đã bỏ tiền ra làm và nhà đài có phim phát sóng giờ không nhẽ cho họ về “hưu non”? Ở góc khác, chính họ góp phần quan trọng thúc đẩy các đài mở rộng “thị phần” phim Việt. Thực tế cho thấy, có những đơn vị sản xuất với khối lượng lớn lên đến 300 tập phim/năm.
Không nhiều phim truyền hình tư nhân gây được ấn tượng như bộ phim “Bỗng dưng muốn khóc”. |
Trong cuộc cạnh tranh đó, phim của hãng phim là “con đẻ” của đài bị rớt lại được coi như… đương nhiên, xét cả về nhiều phía. Nhà đài phát phim của các đơn vị xã hội hóa có nhiều cái lợi: không phải bỏ tiền đầu tư làm phim (vì hợp tác với các đơn vị xã hội hóa theo phương thức đổi thời lượng quảng cáo lấy phim); có nhiều nguồn phim để lựa chọn. Ngồi mát ăn bát vàng như thế, đài nào mà chẳng muốn thêm “giờ Vàng”?
Không để khán giả “ăn” một món
Khi phim tư nhân “tung tác” trên sóng một thời gian thì nhà đài nhận ra những bất cập. Trước hết, số lượng phim không đi kèm với chất lượng do làm nhanh, làm ẩu để tiết kiệm chi phí. Sau nữa, sự bùng phát dòng phim giải trí dẫn đến mất cân đối trong cơ cấu đề tài khiến khán giả bị “bội thực” khi phải “ăn” mãi một “món”.
Hiện tại, phim giải trí cũng bắt đầu bão hòa. Nhiều khán giả chọn phim giải trí của nước ngoài vì “phim Tây” hấp dẫn hơn. Khán giả nhớ dòng phim chính luận của VFC hay phim lịch sử, dã sử của TFS. Đó là những bộ phim phản ánh những vấn đề xã hội được người xem quan tâm, khơi gợi niềm tự hào dân tộc, ý thức về truyền thống lịch sử - văn hóa và có thể nói được những vấn đề họ muốn nói, đặc biệt là với bà con nông thôn. Quả thật, ngoài Bỗng dưng muốn khóc tạo thành hiện tượng thì hơn một năm vừa rồi, chưa thấy bộ phim tư nhân nào gây được tiếng vang.
Đứng trước tình cảnh đó, các “anh cả” đã làm gì? VFC đang cơ cấu lại sản xuất, phát triển song song cả hai dòng giải trí và chính luận. Chỉ tiếc là mức đầu tư chưa có nhiều thay đổi để có thể kích thích đội ngũ làm nghề, khi mà các hãng phim bên ngoài luôn đưa ra những lời mời chào với thù lao hấp dẫn. Mức giá mua bản quyền kịch bản cũng không cạnh tranh được với các hãng phim tư nhân nên khó tìm được kịch bản hay. 52 tập phim Bí thư tỉnh ủy dựa theo nguyên mẫu nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc lên sóng hứa hẹn trở thành “điểm nhấn” của phim truyền hình. TFS có Vó ngựa trời Nam về cuộc đời thi tướng Huỳnh Văn Nghệ và nhiều phim hình sự đang được sản xuất…
“Nhà đài” cần phải điều tiết
Việc các “nhà đài” tìm cách “đổi món”, không chỉ đem đến những bữa ăn tinh thần phong phú, hấp dẫn hơn mà còn góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng phim. Đa dạng đề tài không những hướng tới nhiều nhu cầu, nhiều đối tượng mà đến lượt đề tài kích thích sự phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu của phim truyền hình.
Khán giả đang cần có nhiều bộ phim đa dạng về đề tài chứ không chỉ những gì “ngòn ngọt, đèm đẹp...” như cách nói của NSND, đạo diễn Khải Hưng. Dĩ nhiên, lao vào “địa hạt” những vấn đề xã hội đòi hỏi bản lĩnh của tác giả kịch bản, biên tập và hơn cả là lãnh đạo các hãng tư nhân dám đi theo con đường khó khăn, chông gai này để phả hơi thở cuộc sống đương đại vào từng tập phim. Vì vậy, để khuyến khích hay kích thích các nhà làm phim xã hội hóa “mạo hiểm” thì cần thay đổi về tư duy duyệt phim... “Các nhà duyệt phim muốn thay đổi tư duy thì cần có thời gian, chứ không thể ngày một ngày hai”, một vị trong hội đồng duyệt phim xã hội hóa của VTV chia sẻ.
Điều băn khoăn không phải ở chỗ các hãng phim xã hội hóa có mạnh dạn làm phim với những đề tài khác ngoài mảng giải trí hay không, mà như bà Thùy Linh, Phó Giám đốc VFC, Ủy viên Hội đồng duyệt phim xã hội hóa của VTV - cảnh báo: “Các nhà làm phim tự kiểm duyệt ngay từ chính họ mới là điều đáng lo ngại cho cả phía nhà sản xuất và phía duyệt nội dung”.