Chưa muộn?

Văn hóa - Ngày đăng : 06:51, 20/06/2010

(HNM) - Mới đây, lần đầu tiên công chúng Hà Nội mới được tiếp xúc với dạng thức vẽ trên cơ thể khỏa thân (body painting) qua cuộc trình diễn nghệ thuật tổng hợp của họa sĩ Phương Vũ Mạnh và các cộng sự.

Trước Phương Vũ Mạnh, năm 2008, họa sĩ Ngô Lực đã mở đầu cho cuộc thử nghiệm này tại TP Hồ Chí Minh. Cũng trong năm 2008 còn có cuộc thử nghiệm viết thư pháp trên người (bán khỏa thân), mang tên "Vũ hội chữ" tại 31A Văn Miếu, Hà Nội. Năm 2009, lại diễn ra triển lãm vẽ trên người khỏa thân của họa sĩ, kiêm nhiếp ảnh Phan Quang, phóng viên Báo Sài Gòn tiếp thị, qua cuộc triển lãm nhiếp ảnh sắp đặt "Sắc màu" tại TP Hồ Chí Minh.

Có thể nói đó là những cuộc chơi táo bạo của một số họa sĩ, bởi tính nghệ thuật này khá phức tạp khi sáng tạo: Ý tưởng và sự thể hiện của họa sĩ; sự kiên nhẫn, đồng cảm và khả năng trình diễn của người mẫu cùng với tài năng ngẫu hứng của âm nhạc và ánh sáng. Họa sĩ Phan Quang đã phải thốt lên: "Rất cực!" khi nói về chuyện có người mẫu phải giữ yên tư thế bất động trong vài giờ đồng hồ để họa sĩ hoàn thành tác phẩm.

Ở Việt Nam nghệ thuật này còn khá mới mẻ. Công chúng thì hồ hởi đón nhận bởi tò mò trước cái lạ, trong khi nhà quản lý lại băn khoăn. Trong một cuộc trao đổi về biểu diễn thư pháp trên cơ thể người ở 31A Văn Miếu, ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phân vân khi nói rằng, sẽ không cấm song phải xem xét dựa trên điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mới cấp phép.

Nghệ thuật vẽ trên cơ thể mang tính cởi mở, nếu nhà quản lý quá khắt khe thì công chúng yêu nghệ thuật sẽ không có cơ hội tiếp cận với cái mới, còn thoải mái cấp phép e rằng chạm vào thuần phong mỹ tục. Dù sao một vài cuộc trình diễn vẽ trên cơ thể người vừa qua chỉ dừng ở mức độ thử nghiệm.

Vấn đề là có nên tiếp tục cho thử nghiệm thể loại nghệ thuật này và chờ đợi thái độ tiếp theo của công chúng hay không? Đành rằng mọi chuyện vẫn chưa muộn nhưng thử nghiệm quá nhiều chắc chắn sẽ kéo theo không ít hệ lụy.

Người lái đò