Không nên “đánh bạc” với vàng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:31, 20/06/2010

(HNM) - Dù giá vàng trên thị trường thế giới đã tăng lên mức kỷ lục của mọi kỷ lục: 1.258,3 USD/ounce trong phiên cuối cùng ngày 18-6, nhiều chuyên gia cho rằng đỉnh cao này sẽ sớm bị vượt qua. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến "con sóng" mới này hay vàng đang trong bong bóng giá?

Kỷ lục của mọi kỷ lục

Trong phiên chốt của ngày giao dịch 18-6, giá vàng giao tháng 8 trên sàn Comex (thị trường buôn bán cổ phần chỉ bao gồm các kim loại hiếm như vàng, bạc…) New York (Mỹ) đã tăng +0,77%, tương đương 9,6 USD, lên mức 1.258,3 USD/ounce; vàng giao ngay tăng 11,3 USD lên 1.256,5 USD/ounce. Như vậy, cả giá vàng giao ngay và vàng kỳ hạn đều đã xác lập mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Thậm chí, trong ngày giao dịch này, có lúc giá vàng giao tháng 8 đã lên tới mức 1.263,7 USD/ounce; vàng giao ngay có thời điểm tiệm cận 1.264 USD/ounce.

Giao dịch vàng miếng tại Công ty Vàng bạc - Đá quý Sài Gòn SJC. Ảnh: Linh Tâm

Từ đầu năm đến thời điểm này, giá vàng đã tăng khoảng 14%. Thị trường liên tục xác lập kỷ lục (khoảng bốn lần), đỉnh cao gần đây nhất là cột mốc 1.254 USD/ounce.

Trên thị trường trong nước, theo niêm yết ngày 19-6 của Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, vàng rồng Thăng Long được mua vào ở mức 28.420.000 đồng/lượng, bán ra 28.500.000 đồng/lượng, tăng khoảng 200.000 đồng/lượng so với ngày trước đó. Vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý SJC Hà Nội được mua vào ở mức 28.450.000 đồng/lượng, bán ra ở mức 28.520.000 đồng/lượng. Giá vàng trong nước tăng theo thị trường thế giới là tất yếu.

"Canh" để chốt lãi

Tại thời điểm giá vàng leo đỉnh 1.226 USD/ounce ngày 2-12-2009, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới và một số nước đã cảnh báo sự hình thành bong bóng tài sản và cho rằng đến lúc phải cảnh giác với giá vàng. Các con số thống kê cho thấy, chỉ trong một thập niên vừa qua, giá vàng đã tăng 300%, trở thành một loại bong bóng lớn trên thị trường. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, giá vàng xác lập lỷ lục ngày 18-6 có nguyên nhân là nhiều nhà đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu kéo dài và sẽ "mở rộng phạm vi ảnh hưởng". Ngoài ra, nỗi ám ảnh lạm phát cũng tạo nên "lực đẩy" cho giá vàng. Đáng cảnh giác ở chỗ giá vàng có thể không dừng lại ở kỷ lục mới này mà còn hướng tới mục tiêu 1.350 USD/ounce, thậm chí cao hơn trong một vài tháng tới.

Giá vàng tăng chóng mặt trong ngày 19-6. Ảnh: Huyền Linh

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu đã khiến nhiều nước EU chuyển sang các loại tài sản an toàn hơn và vàng là lựa chọn ưu tiên. Đồng thời, giá vàng tăng cũng còn bởi sức mua mạnh từ các quỹ đầu tư và chưa kể không ít nhà đầu cơ đã tham gia để kiếm lợi.

Tại thời điểm này, nếu quy đổi theo tỷ giá USD/VND, giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới khoảng 400.000 đồng/lượng. Có thông tin một số doanh nghiệp trước đó đã đẩy mạnh mua vào để xuất khẩu vàng dưới dạng trang sức. Nhưng đối với các nhà đầu tư cá nhân trong nước, các chuyên gia khuyên nên cảnh giác trước những "đợt phanh gấp" và sau đó là sụt giảm trong ngắn hạn, thậm chí chỉ trong một vài ngày của giá vàng. Trong các loại dự báo, dự báo giá vàng là khó khăn nhất và hầu như không chuyên gia nào lường được đường đi của thị trường. Vì vậy, người dân không nên đánh bạc… với vàng.

Phan Long