Để lại nhiều bài học quý cho công cuộc mở cửa, hội nhập
Chính trị - Ngày đăng : 06:25, 20/06/2010
Cầu truyền hình "Người đi mở cõi" được các đài phát thanh - truyền hình: Hà Nội, Quảng Bình, Đồng Nai và Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tường thuật trực tiếp tại 4 điểm cầu: Hà Nội - Quảng Bình - thành phố Hồ Chí Minh- Đồng Nai.
Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Đức ông) sinh năm 1650 tại Quảng Bình và mất năm 1700. Ông có công trong việc mở mang bờ cõi, giúp nhân dân khẩn hoang, ổn định cuộc sống, thiết lập trật tự xã hội và giúp cho một vùng đất phương Nam rộng lớn phát triển vững vàng. Các đời Chúa Nguyễn và Vua Nguyễn về sau đã phong sắc, suy tôn công lao mở mang bờ cõi, hộ quốc dân an của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ông là một trong những nhân vật lịch sử được nhân dân phương Nam thờ phụng; nhiều vùng đất, sông nước đến nay vẫn mang tên ông cùng với hệ thống đền thờ tưởng nhớ ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam...
Điểm cầu chính diễn ra tại khu Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh gồm hai phần: phần Lễ dâng hương của lãnh đạo và nhân dân và phần Hội tổ chức giao lưu với các nhà nghiên cứu lịch sử của Trường Đại học Huế và tỉnh Quảng Bình. Hình ảnh dâng hương được thuyết minh trực tiếp tại điểm cầu Quảng Bình trên nền nhạc dân gian giới thiệu nguồn gốc Nguyễn Hữu Cảnh... bắt nguồn từ nghìn năm Thăng Long. Hình ảnh mở cõi được tái hiện phần nào trong màn múa hát bài ca Lễ Thành Hầu ngay tại khu Lăng mộ Đức ông với sự thể hiện của dàn diễn viên Đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Bình và Đoàn nghệ thuật Quân khu 4 hết sức sinh động. Tại điểm cầu Hà Nội, chương trình diễn ra tại tượng đài Lý Thái Tổ; tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra tại đường Nguyễn Hữu Cảnh; tại Đồng Nai diễn ra tại đền Bình Kính thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh.
Đặc biệt, chương trình còn có phần giao lưu với các nhà sử học, nhà văn hóa, nhân dân miền Trung - Tây Nguyên, miền Nam GS Phan Huy Lê, GS Nguyễn Quang Ngọc để giúp công chúng cả nước hiểu sâu sắc hơn về Nguyễn Hữu Cảnh. Công cuộc mở cõi của Nguyễn Hữu Cảnh - một danh nhân lịch sử để lại bài học quý cho thời mở cửa - hội nhập phát triển của đất nước: Mở cõi - mở cửa không bằng bạo lực, không áp đặt; lòng dân đi trước thì nhà nước theo sau; lấy hệ giá trị văn hóa của cộng đồng làm nền tảng, lấy khát vọng hòa bình, nguyện vọng phát triển phồn vinh của nhân dân làm mục tiêu; nối kết, phát huy sức dân, lòng dân để xây dựng đất nước.